Theo Quyết định số 1745/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, thành phố Huế) sẽ được đầu tư phát triển thành cảng tổng hợp quy mô lớn, có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời và tàu tổng hợp trọng tải từ 150.000 đến 200.000 tấn, thậm chí lớn hơn nếu đủ điều kiện kỹ thuật.
Ngoài ra, cảng cũng sẽ được nâng cấp để phục vụ tàu container sức chở từ 4.000 TEU trở lên, tàu khách quốc tế tải trọng đến 225.000 GT cùng các tàu chuyên chở hàng lỏng và khí với tải trọng tối đa 150.000 tấn. Việc xây dựng và mở rộng hệ thống bến cảng sẽ gắn với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính của nhà đầu tư và đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Cùng với đó, Quyết định số 1657/QĐ-TTg cũng nêu rõ định hướng mở rộng cảng Chân Mây theo hướng phát triển cảng tổng hợp về phía Tây khu bến hiện hữu, tạo điều kiện cho việc bố trí không gian khai thác hợp lý và hiệu quả.
![]() |
Huế định hướng Cảng Chân Mây trở thành trung tâm logistics chiến lược tại miền Trung |
Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Văn Phương, khẳng định việc mở rộng cảng là một phần trong chiến lược đồng bộ hóa với quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia. Hệ thống bến cảng tại Chân Mây sẽ bao gồm các khu chức năng riêng biệt như bến container, bến hàng rời, bến chuyên dụng cho hàng lỏng/khí và bến tàu khách quốc tế, bảo đảm khả năng đón tàu lớn theo từng giai đoạn phát triển.
Mới đây, UBND TP. Huế đã trình Hội đồng Nhân dân phương án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng cảng Chân Mây. Theo đề xuất, tổng diện tích quy hoạch sẽ được nâng từ khoảng 702 ha lên 1.160 ha, bao gồm phần đất liền và mặt nước biển, tăng thêm 458 ha so với quy hoạch trước đó.
Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, định hướng này nhằm đưa Chân Mây trở thành cảng biển tổng hợp đa chức năng, giữ vai trò trung tâm logistics khu vực miền Trung, phục vụ hoạt động trung chuyển hàng hóa liên vùng và quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng như Lào và Thái Lan.
Việc điều chỉnh quy hoạch còn nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050; đồng thời thống nhất với Quy hoạch thành phố Huế và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045.
Cảng Chân Mây hiện là cảng biển loại I, đóng vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế vùng duyên hải miền Trung. Với vị trí chiến lược nằm giữa hai đô thị lớn là Huế và Đà Nẵng, tiếp giáp hành lang kinh tế Đông Tây, cảng Chân Mây được xem là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và khu vực Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, đồng thời giữ vai trò điểm trung chuyển hàng hải giữa Philippines, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).