Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân cả nước đến hết tháng 4/2025 đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2024 đạt 16,64%. Trong đó, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) có tỷ lệ đạt 17,2% cao hơn cùng kỳ năm 2024 (16,56%).
So với tỷ lệ giải ngân cả nước trong 3 tháng đầu năm, tiến độ giải ngân đã bắt đầu có sự tăng tốc, bắt kịp tiến độ so với cùng kỳ năm ngoái (lũy kế giải ngân đến hết tháng 2 đạt 5,43%, hết tháng 3 đạt 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 10/47 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân trên 20% như: Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Công an, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Các địa phương giải ngân trên 30% bao gồm: Phú Thọ, Lào Cai, Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Giang, Lâm Đồng.
Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp và 12 địa phương giải ngân dưới 10% như Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị.
![]() |
Theo Bộ Tài chính, giải ngân các dự án đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn. |
Bộ Tài chính cho biết, hoạt động giải ngân các dự án đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn. Đó là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách. Việc lập, xác định chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn của dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng gặp nhiều khó khăn do nhiều lĩnh vực không có quy định về cụ thể về định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn như lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường,...
Cùng đó, Luật Đất đai năm 2024 mới có hiệu lực thi hành, các quy định, hướng dẫn về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh cũng được ban hành mới với nhiều nội dung thay đổi, quy định chưa rõ nên ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án.
Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện, dẫn đến chưa hoàn thành phân bổ hết kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao theo thời hạn quy định, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2025.
Liên quan tới quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, để phù hợp với cơ cấu bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, các cơ quan trung ương và địa phương phải tạm dừng khởi công mới một số dự án hoặc đang trong quá trình rà soát để điều chỉnh quy mô, phạm vi đầu tư dự án, dẫn đến không tiếp tục bố trí vốn thực hiện dự án để tránh lãng phí.
Ngoài ra, việc thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình quản lý dự án tại địa phương do không duy trì cấp huyện và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, sáp nhập cũng là nguyên nhân làm cho công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng, công tác thanh toán, quyết toán phải kéo dài thời gian xử lý. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng .