![]() |
Gã khổng lồ hóa chất Đức BASF giữ nguyên triển vọng 2025 bất chấp thuế quan |
Tập đoàn hóa chất hàng đầu của Đức — BASF — đã khẳng định giữ nguyên dự báo thu nhập năm 2025, dù phải đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách thuế quan cứng rắn của Hoa Kỳ. Tuy vậy, công ty không quên cảnh báo về mức độ bất ổn ngày càng gia tăng.
BASF, nhà cung cấp chủ chốt cho các ngành ô tô, nông nghiệp và xây dựng, nhấn mạnh khả năng phục hồi tốt hơn so với nhiều đối thủ nhờ chiến lược tập trung sản xuất nội địa. Riêng tại Hoa Kỳ, hơn 80% doanh thu của tập đoàn đến từ các sản phẩm được sản xuất ngay trong nước.
Tuy nhiên, tập đoàn vẫn bày tỏ lo ngại: "Sự thiếu nhất quán trong các quyết định thuế quan của Hoa Kỳ cùng các phản ứng từ các đối tác thương mại đang tạo ra mức độ bất ổn rất cao."
Giám đốc Tài chính Dirk Elvermann cho biết, BASF đang cân nhắc tác động gián tiếp từ thuế quan, nhất là những ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu trong các lĩnh vực như ô tô và hàng tiêu dùng. Ông thừa nhận, việc đánh giá chính xác tác động tổng thể vào thời điểm này là vô cùng khó khăn.
Dù vậy, BASF vẫn giữ vững dự báo cho năm 2025. Công ty dự kiến EBITDA trước các khoản mục đặc biệt sẽ đạt từ 8,0 đến 8,4 tỷ euro (tương đương 9,1 đến 9,5 tỷ USD).
Trong bối cảnh này, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục áp dụng hàng loạt thuế quan lên cả đồng minh lẫn đối thủ. Dù mức thuế cao nhất hiện đã tạm hoãn để đàm phán, mức thuế cơ bản 10% vẫn đang được duy trì.
Ngoài ra, BASF báo cáo lợi nhuận ròng quý I giảm 40%, chỉ còn 808 triệu euro — mức sụt giảm cao hơn dự kiến do áp lực cạnh tranh gia tăng. Cổ phiếu BASF ngay lập tức giảm 1,52% vào lúc 09:00 GMT sau thông báo.
Ngành hóa chất của Đức vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí năng lượng leo thang sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ châu Á.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, Tổng Giám đốc điều hành Markus Kamieth khẳng định BASF vẫn kiên định với chiến lược phát triển tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Một cơ sở sản xuất mới đang được xây dựng tại Trạm Giang, miền nam Trung Quốc. "Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp hóa chất," ông Kamieth nhấn mạnh.
BASF trước đó cũng đã công bố kế hoạch tiết kiệm chi phí quy mô lớn, bao gồm cắt giảm nhân sự tại nhà máy Ludwigshafen, Đức — minh chứng cho quyết tâm thích ứng với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động.
Tại Việt Nam, BASF bắt đầu hoạt động tại đây từ năm 1994 với việc thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM. Hai năm sau BASF thành lập văn phòng tại Hà Nội. Công ty TNHH BASF Việt Nam thành lập từ tháng 4/2009. Chia sẻ về định hướng dài hạn, ông Erick Contreras - Tổng giám đốc BASF Việt Nam cho biết công ty đặt mục tiêu phát triển bền vững và dẫn đầu thị trường Việt Nam trong ít nhất ba thập kỷ tới, thậm chí lâu hơn.
Theo đó, BASF Việt Nam cam kết duy trì tốc độ tăng trưởng cao, luôn giữ vững vị thế tiên phong trước các đối thủ và không ngừng thắt chặt hợp tác với khách hàng cùng đối tác. Mục tiêu trọng yếu là đồng hành giải quyết những thách thức phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng công nghệ tiên tiến — yếu tố được xem là nền tảng trong chiến lược kinh doanh lâu dài của công ty.
BASF cũng đặt trọng tâm đầu tư vào các sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường, phục vụ đa dạng ngành công nghiệp quan trọng tại Việt Nam, bao gồm: Chăm sóc sức khỏe; Nông nghiệp; Giày dép và dệt may; Xe điện.
Song song với chiến lược mở rộng sản phẩm, BASF Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ nhân sự vững mạnh, sáng tạo và luôn đổi mới. Đóng góp tích cực cho cộng đồng tiếp tục là giá trị cốt lõi mà công ty kiên định theo đuổi, cam kết tạo dựng môi trường làm việc hiện đại và xanh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam.