Bộ Tài chính cho biết, dù đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ các dự án đầu tư công, gây tồn đọng vốn, kéo dài thời gian và làm tăng chi phí dự án.
![]() |
Tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đề xuất thêm quy định chi phí chuẩn bị mặt bằng. |
Tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về "nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng". Đây là bước thực hiện đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc và hiện trạng đất, không cần chờ phê duyệt chủ trương đầu tư và được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công.
Chi phí cho các nhiệm vụ chuẩn bị này sẽ được sử dụng từ nguồn vốn đầu tư công hoặc các nguồn hợp pháp khác và được quyết toán trong tổng mức đầu tư của dự án. Mục tiêu là giúp đẩy nhanh quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hạn chế thay đổi hiện trạng đất và tối ưu hóa việc bố trí vốn cho các hạng mục xây lắp, mua sắm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất trao thêm quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, không cần chờ văn bản thông báo của Thủ tướng Chính phủ. Việc này sẽ không áp dụng với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia và dự án đầu tư công đặc biệt.
Ngoài ra, dự thảo còn đề cập đến việc sửa đổi quy định liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, nhằm rút ngắn thủ tục, tăng phân cấp trong quản lý đầu tư công, đẩy nhanh bố trí vốn, siết chặt kỷ luật và bổ sung chế tài xử lý đối với các chủ thể làm chậm tiến độ dự án.