Thái Nguyên mở rộng kênh bán hàng nông sản trên nền tảng số Thái Nguyên chuyển mình với thủ tục phi địa giới |
Năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 10,5% – mức tăng trưởng tham vọng nhưng khả thi nếu nhìn vào các động lực kinh tế đang được kích hoạt mạnh mẽ. Trong đó, đầu tư công đóng vai trò “dẫn dòng”, tạo lực hút cho vốn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững.
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kịch bản tăng trưởng cụ thể, gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công cho từng chủ đầu tư. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 được giao hơn 6.600 tỷ đồng – con số lớn nhưng tỉnh đặt mục tiêu giải ngân 100% trước ngày 31/1/2026.
Các cuộc họp điều hành được tổ chức hàng tuần, tiến độ từng dự án được kiểm đếm sát sao. Tỉnh không chỉ yêu cầu các đơn vị bám tiến độ, mà còn chủ động điều chuyển vốn cho các dự án có năng lực thi công tốt, đặc biệt là công trình trọng điểm như: Tuyến đường kết nối Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc; đường Vành đai I, V; cầu Quang Vinh 1, 2…
![]() |
Đầu tư công “dẫn dòng”, Thái Nguyên hút mạnh vốn đầu tư xã hội. |
Không dừng ở con số cam kết, nhiều dự án đang cho thấy sự chuyển động thực chất. Dự án đường ĐT265 từ xã Bình Long đi Bắc Giang đã giải ngân 100% vốn được cấp. Một số dự án khác như tuyến tránh đô thị Hóa Thượng, đường vành đai I đoạn Phú Lương – Đồng Hỷ... cũng có tỷ lệ giải ngân trên 50% – mức hiếm gặp trong quý đầu năm.
Nhờ đầu tư công tập trung cho hạ tầng giao thông và khu công nghiệp, Thái Nguyên đã ghi nhận mức tăng vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2025 cao nhất từ trước đến nay, đạt gần 14.300 tỷ đồng – tăng 8,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, dòng vốn FDI chiếm gần một nửa, với 6.900 tỷ đồng – tăng tới 15,7%.
Hàng loạt dự án lớn đang được triển khai. Dự án Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 khởi công đầu tháng 3 với gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư, quy mô 300ha, định hướng phát triển xanh, công nghiệp chế biến, điện tử, năng lượng tái tạo…
Chỉ 5 ngày sau, một “cú huých” khác xuất hiện khi Tập đoàn Flamingo khởi công Flamingo Majestic Island Resort tại hồ Núi Cốc – khu nghỉ dưỡng 6 sao đầu tiên tại miền Bắc với diện tích hơn 60ha. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu ứng lan tỏa từ đầu tư công đến đầu tư tư nhân, từ hạ tầng đến bất động sản du lịch.
Cùng với tốc độ giải ngân cao và hạ tầng được cải thiện, môi trường đầu tư tại Thái Nguyên cũng được đánh giá tích cực. Trong quý I, tỉnh cấp mới cho 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 104,9 triệu USD; đồng thời điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án, nâng tổng vốn tăng thêm lên 128,1 triệu USD – gấp 17,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có 224 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 11,16 tỷ USD – quy mô vượt trội so với nhiều tỉnh trong khu vực.
Theo ông Trần Trọng Cường, Phó Trưởng Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh, thành công trong giải ngân đầu tư công đến từ sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt giữa các chủ đầu tư và địa phương, cùng quyết tâm tháo gỡ mọi vướng mắc từ mặt bằng, thời tiết đến thủ tục hành chính.
Hướng tới tương lai, Thái Nguyên không chỉ chạy đua về tốc độ tăng trưởng, mà còn hướng tới giá trị bền vững. Các khu công nghiệp mới đều định hướng xanh – sạch – công nghệ cao. Các dự án nghỉ dưỡng, dịch vụ cũng ưu tiên thân thiện môi trường, khai thác thế mạnh tự nhiên mà không làm tổn hại tài nguyên.
Việc thu hút nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước – từ Viglacera, Flamingo đến các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Singapore – cho thấy tầm nhìn mới của tỉnh: không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng ngắn hạn, mà lựa chọn chiến lược “dẫn dòng đầu tư chất lượng”.
Thái Nguyên đang bước vào chu kỳ phát triển mới, nơi đầu tư công không chỉ là công cụ tài khóa, mà là động lực kích hoạt tăng trưởng đa chiều. Khi hạ tầng được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng và các dòng vốn được khơi thông, Thái Nguyên hoàn toàn có cơ sở để bứt phá trong năm 2025 và xa hơn nữa.