Thái Nguyên: Cú hích từ vốn ủy thác giúp hàng nghìn hộ vươn lên Thái Nguyên mở rộng kênh bán hàng nông sản trên nền tảng số |
Bắt đầu từ tháng 6/2025, Thái Nguyên sẽ chính thức triển khai giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phi địa giới hành chính. Đây là bước đột phá trong tiến trình cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) nhanh chóng, hiệu quả, không rào cản không gian.
Chủ trương này được Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo quyết liệt tại Hội nghị chuyên đề ngày 1/4/2025, với trọng tâm là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Giải quyết TTHC phi địa giới hành chính nghĩa là công dân, DN có thể đến bất kỳ bộ phận một cửa nào trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên để nộp và nhận kết quả thủ tục, không bị giới hạn bởi nơi cư trú, đăng ký thường trú hay địa chỉ trụ sở.
![]() |
Thái Nguyên chuyển mình với thủ tục phi địa giới. |
Đây là kết quả của quá trình nỗ lực số hóa toàn diện dữ liệu dân cư, kết nối hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư. Từ đó, Thái Nguyên không chỉ phục vụ người dân trên địa bàn mà còn sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các địa phương và bộ, ngành khác trên toàn quốc.
Tính đến giữa tháng 3/2025, Thái Nguyên có 1.925 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (cấp tỉnh 1.474, cấp huyện 322, cấp xã 129). Toàn bộ đều đã có quy trình nội bộ được phê duyệt.
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 227 thủ tục trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký 32 quyết định công bố TTHC mới – trong đó 305 TTHC được ban hành mới, 294 TTHC bị bãi bỏ.
Các cơ quan chuyên môn đã tích cực triển khai số hóa hồ sơ, kết nối liên thông dữ liệu để tăng tốc xử lý hồ sơ. Đặc biệt, việc yêu cầu cán bộ phải gửi thư xin lỗi người dân nếu hồ sơ giải quyết quá hạn là điểm nhấn cho thấy tinh thần trách nhiệm hành chính ngày càng rõ nét.
Một điểm sáng trong cải cách hành chính tại Thái Nguyên là đẩy mạnh sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) thay thế giấy tờ truyền thống.
Từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, các cơ quan không được yêu cầu người dân, DN nộp lại các văn bản, giấy tờ do cơ quan tỉnh đã ban hành. Các giấy tờ tích hợp trên VNeID – nếu tuân thủ luật giao dịch điện tử – sẽ có giá trị pháp lý tương đương với bản giấy. Người dân chỉ cần điện thoại thông minh có VNeID để thực hiện thủ tục.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: “Chúng ta không thể để người dân đi lại nhiều lần vì một bản giấy. Chúng ta cần để dữ liệu làm việc thay con người.” |
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng |
Sở Tư pháp, Công an tỉnh và Sở Nội vụ đang tích cực phối hợp hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu hộ tịch với CSDLQG về dân cư, hạn chót là ngày 20/4/2025. Cùng với đó, Kho dữ liệu công dân của tỉnh sẽ đi vào vận hành để hỗ trợ xử lý TTHC nhanh hơn, ít giấy tờ hơn.
Một điểm nổi bật khác trong chính sách sắp tới của Thái Nguyên là đề xuất thu phí “0 đồng” đối với dịch vụ công trực tuyến.
Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng đề án, tham mưu trình HĐND tỉnh phê duyệt. Nếu chính sách này được thông qua, người dân khi làm TTHC trực tuyến sẽ không phải đóng bất kỳ khoản phí nào – một bước tiến hướng đến nền hành chính phục vụ, không vì lợi nhuận.
Điều này không chỉ khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà còn góp phần giảm tải cho bộ phận tiếp nhận trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho toàn xã hội.
Việc giải quyết TTHC phi địa giới hành chính chỉ là bước khởi đầu. Tỉnh Thái Nguyên đang định hướng phát triển hệ thống liên thông toàn quốc – nơi mọi dữ liệu dân cư, hộ tịch, giấy tờ được tái sử dụng không giới hạn không gian.
Người dân Thái Nguyên có thể làm thủ tục từ bất kỳ đâu: nộp hồ sơ tại địa phương, giải quyết ở cấp tỉnh hoặc trung ương mà không phải cung cấp lại thông tin đã có.