Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam - Vietnam Connect Forum 2022, ông Bruce Delteil, Giám đốc Điều hành McKinsey tại Việt Nam đánh giá, hiện nay, tăng trưởng một số ngành ở Việt Nam tiếp tục ở mức tuân thủ quy định của nhà nước, ứng dụng công nghệ, hiệu suất nhiên liệu và hiệu suất phát thải vẫn duy trì ở mức năm 2018.
Do vậy, để phát thải CO2 hàng năm từng bước đạt như mục tiêu cam kết, Việt Nam phải tăng cường các yếu tố công nghệ để cải thiện hiệu quả kinh tế thông qua việc tăng cường năng lượng tái tạo; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); điện hóa vận tải và tăng quy mô thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) trong điện lực và công nghiệp.
Theo tính toán của McKinsey, với những chuyển đổi lớn về công nghệ và hành vi vào năm 2025 như tăng công suất năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát điện (điện gió tăng 23%, điện mặt trời tăng 18%), giảm lượng phát thải từ ngành sản xuất thép/xi măng, khuyến khích 100% phương tiện đường bộ sử dụng điện, 30% hành khách di chuyển bằng đường hàng không chuyển sang đường sắt cao tốc, bảo vệ 7,5 triệu ha đất có tiềm năng giảm phát thải, ứng dụng kỹ thuật AWD trong trong lúa và đặc biệt là đẩy mạnh việc xử lý nước thải, phát điện từ chất thải… Việt Nam sẽ đưa được mức phát thải về 0 như cam kết.
Tưởng chừng những thay đổi lớn này sẽ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn lên tới hàng tỷ USD song theo ông Bruce, rất nhiều giải pháp “tiết kiệm” có thể ứng dụng được ngay. Hơn nữa, nhiều khoản đầu tư ban đầu có vẻ đắt đỏ nhưng về lâu về dài lại có hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, các dự án năng lượng gió, mặt trời và thủy điện với công nghệ mới có khả năng cạnh tranh về chi phí toàn vòng đời hơn nhà máy nhiệt điện do chi phí vốn (capex) của năng lượng tái tạo trong tương lai thấp hơn và chi phí vận hành (opex) của năng lượng tái tạo cũng thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch.
Trong khi đó, phương tiện vận tải đường bộ chạy điện cũng có chi phí thấp hơn phương tiện động cơ đốt trong do chi phí vận hành xe điện thấp hơn nhiều.
PV