Tuy nhiên, việc định lượng giá trị vô hình mà bất động sản mang lại cho cộng đồng không hề đơn giản. Mới chỉ một thập kỷ trước, các yếu tố môi trường (E trong ESG) cũng gặp phải thách thức tương tự về việc đánh giá và chứng minh lợi ích lâu dài. Nhưng hiện nay, với những chuyển biến mạnh mẽ từ xã hội và thị trường, giá trị môi trường đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp và dự án bất động sản.
Giá trị xã hội trong bất động sản, vì thế, đang dần khẳng định vai trò quan trọng của mình, là yếu tố không thể thiếu trong bất kỳ chiến lược phát triển nào, từ những dự án dân cư đến các khu phức hợp thương mại.
Giá trị xã hội trong ESG yếu tố không thể thiếu trong bất động sản
Theo Bộ phận Nghiên cứu của Savills Global, quá trình tích hợp giá trị xã hội (yếu tố S - Social) vào các dự án bất động sản thường trải qua bốn giai đoạn chính: Đầu tiên, Nhận diện nhu cầu, thứ hai, Đánh giá sự cần thiết, thứ ba, Xây dựng hệ thống đo lường, và cuối cùng Tạo khuôn khổ và quy trình quản lý. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của yếu tố xã hội trong bối cảnh các vấn đề xã hội toàn cầu, như bất bình đẳng và thiếu hụt nhà ở, ngày càng trở nên cấp bách.
Ông Wesley Ankrah, Giám đốc Giá trị Xã hội của Savills, nhấn mạnh: “Chúng ta đã quen với việc đánh giá tác động môi trường của các dự án bất động sản. Tuy nhiên, tác động xã hội cũng không kém phần quan trọng. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để các nhà đầu tư tạo ra các dự án không chỉ thân thiện với môi trường mà còn góp phần xây dựng cộng đồng đa dạng, năng động và bình đẳng xã hội?" Việc này bao gồm cung cấp nhà ở giá cả phải chăng, mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ công cộng như y tế và giáo dục, cũng như tạo ra cơ hội việc làm cho cộng đồng.
Theo các chuyên gia của Savills, việc kết hợp các yếu tố xã hội vào chiến lược phát triển bất động sản không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, xây dựng thương hiệu tích cực và tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư, đồng thời góp phần xây dựng một môi trường đô thị tốt đẹp hơn.
Mặc dù vậy, việc đo lường giá trị xã hội mà các dự án mang lại vẫn là một thách thức lớn. Ông Sam Crispin, Giám đốc cấp cao về Phát triển Bền vững và ESG khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cho biết rằng mặc dù nhiều nhà phát triển đã thực hiện các hoạt động đóng góp cho cộng đồng, nhưng hệ thống đánh giá rõ ràng từ mục tiêu đến kết quả vẫn còn thiếu sót. Việc thiếu các tiêu chuẩn đo lường chính xác có thể dẫn đến "greenwashing" trong yếu tố xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Sự minh bạch trong việc đo lường tác động xã hội sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhiều hơn vào các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng. Các tòa nhà có tác động xã hội tích cực không chỉ nâng cao hình ảnh doanh nghiệp mà còn có thể thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, tương tự như cách yếu tố môi trường đã làm trong những năm qua. Đầu tư vào giá trị xã hội ngay từ giai đoạn đầu sẽ giúp các dự án trở nên bền vững hơn và mang lại lợi nhuận lâu dài.
Hành trình phát triển của giá trị xã hội tại dự án
Theo bà Trần Minh Ái, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Việt Nam, để tạo ra những dự án có ý nghĩa xã hội, các chủ đầu tư và nhà phát triển cần xem xét toàn bộ vòng đời của dự án, từ khâu lập kế hoạch đến khi kết thúc. Việc tích hợp giá trị xã hội vào các dự án không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cần có một sự chuyển đổi về văn hóa, ưu tiên các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng địa phương.
Bà Trần Minh Ái, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills Việt Nam |
“Trong quá trình quản lý và vận hành các dự án bất động sản, các bên liên quan bao gồm chủ đầu tư, ban quản lý, khách thuê hoặc cộng đồng cư dân tại dự án cần có tầm nhìn thống nhất để có chiến lược rõ ràng và phù hợp để nâng cao các giá trị xã hội cho dự án và cộng đồng có liên quan. Có rất nhiều cơ hội để các tòa nhà và những bên liên quan có thể gia tăng giá trị xã hội của dự án và cộng đồng tại dự án đó”, bà Ái phân tích.
Ví dụ thông qua các hoạt động hợp tác và hỗ trợ các tổ chức từ thiện tại địa phương, hỗ trợ các hoạt động đề cao tính đa dạng về văn hóa và con người, dự án có thể góp phần xây dựng những cộng đồng an toàn, lành mạnh và bền vững hơn.
Ngoài ra, dự án có thể góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm tại địa phương thông qua tạo cơ hội để họ trở thành đơn vị cung ứng hay đối tác của dự án cho các hoạt động có liên quan. Thậm chí, một số dự án thương mại như văn phòng, bán lẻ, trường đại học, có thể tạo không gian khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp trẻ, start-up và các nhóm hoạt động văn hóa để thiết lập những địa điểm sáng tạo, có ý nghĩa với cộng đồng trong khuôn viên dự án.
Với mục tiêu hướng đến giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ hệ sinh thái chung, bà Ái cho biết các dự án ở Việt Nam có thể cân nhắc đến các dự án trồng cây hoặc thiết lế cảnh quan, tham gia các hoạt động về bảo vệ động bật hoang dã và đảm bảo đa dạng sinh hoạt, hay thích đẩy các giải pháp giao thông xanh.
“Việc kết hợp các giải pháp mang lại giá trị xã hội luôn là trọng tâm trong hợp tác giữa Savills, chủ đầu tư, khách thuê và cộng đồng cư dân. Mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam còn khá trẻ, nhưng nhận thức về tầm quan trọng của giá trị xã hội đã bắt đầu được lan tỏa rộng rãi. Điều này cho thấy một xu hướng tích cực, khi cả chủ đầu tư, cư dân và khách thuê đều mong muốn các dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở mà còn đóng góp tích cực cho cộng đồng”, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Quản lý Bất động sản Savills chia sẻ.