Trong bài viết mới đây đăng trên trang Washington Examiner, tác giả Rainer Zitelmann, một nhà nghiên cứu người Đức cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm cho hội nhập kinh tế nhưng đang đi đúng hướng.
Tác giả nhấn mạnh, trong những thập kỷ gần đây, những nước có quy mô kinh tế tương đương Việt Nam đều không đạt được mức tăng mạnh về Chỉ số Tự do Kinh tế.
Để chứng minh thêm nhận định của mình, tác giả Rainer Zitelmann đã dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và khẳng định rằng: “Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công”.
Những cải cách kinh tế kể từ khi bắt đầu quá trình Đổi mới năm 1986, cùng với các xu hướng toàn cầu có lợi, đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Từ năm 2002 đến năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỷ lệ nghèo (3,65 USD/ngày, PPP 2017) đã giảm từ 14% năm 2010 xuống còn 3,8% vào năm 2020.
Bài viết cũng dẫn báo cáo cập nhật vào tháng 1/2024 của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), cho biết, kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 6% trong năm này nhờ xuất khẩu phục hồi.
Với dự báo tăng trưởng này, Việt Nam đứng thứ ba trong dự báo của AMRO về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước, sau Philippines (6,3%) và Campuchia (6,2%).
Trong bài viết, tác giả Rainer Zitelmann trích dẫn báo cáo rằng sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không chỉ được ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp mà còn trong nhiều ngành khác. Việt Nam đã khẳng định vị thế trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm Công nghiệp 4.0, chip bán dẫn, Trí tuệ Nhân tạo (AI) và hydro, đồng thời đang thu hút vốn quốc tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm ngoái đạt 36,6 tỉ USD.
Ông Rainer Zitelmann cũng dẫn báo cáo Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2024, trong đó Quỹ Heritage nhận định Việt Nam là một trong những ngôi sao đang lên, đi ngược lại xu hướng toàn cầu.
Bài viết cũng dẫn lời Cố vấn của Ủy ban châu Âu trong lĩnh vực tài chính Oliver Massmann cho rằng, Việt Nam đang có những tiến bộ trong việc tăng cường pháp quyền. Việt Nam cũng đưa ra biện pháp mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, yêu cầu rõ ràng hơn đối với các ngân hàng đang gặp khủng hoảng. Các thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa. Những sửa đổi về Luật Đất đai cũng là một động thái tích cực.
Một khía cạnh tích cực khác, theo ông Oliver Massmann, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mở cửa thị trường và tăng cường sự chắc chắn về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư trong các Hiệp định thương mại tự do và hiệp định bảo hộ đầu tư.
Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc Quỹ Friedrich Naumann tại Hà Nội cũng nhắc đến những kinh nghiệm từ các nước đi trước. Chẳng hạn như Dubai làm ví dụ: Dubai đã tạo ra 14% GDP trên diện tích 0,4 dặm vuông của Trung tâm Tài chính Quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh đang sở hữu nhiều lợi thế vượt trội như dẫn đầu cả nước về GDP, thu hút mạnh mẽ FDI, vị trí địa lý vô cùng đặc biệt... Những yếu tố này là nền tảng để TP. HCM nắm bắt xu thế thời đại và biến mình trở thành trung tâm tài chính vươn tầm quốc tế.
"Dự án tương tự ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể là một bước tiến tốt hơn trên con đường hướng tới nền kinh tế thị trường tự do của Việt Nam", ông Andreas Stoffers nói.
Phương Anh (T/h)