![]() |
Lớp học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm |
Ông có thể cho biết tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương thời gian qua như thế nào?
Ông Phùng Văn Hùng: Trong năm 2024, chúng tôi đã ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 10.831 người. Đây là những người lao động đã hoàn tất quá trình xét duyệt và đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Một điểm tích cực là có đến 81,4% hồ sơ được nộp qua dịch vụ công trực tuyến. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, giúp người lao động tiết kiệm thời gian, công sức và giúp cơ quan chức năng xử lý hồ sơ thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, cần nói rõ rằng số này chưa phản ánh hết thực trạng thất nghiệp. Có không ít người dù nộp hồ sơ nhưng vẫn bị từ chối do không đáp ứng điều kiện – ví dụ như chấm dứt hợp đồng không đúng quy định, chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm, nghỉ ngang hoặc nghỉ việc không đúng quy trình.
![]() |
Vậy sau khi nhận trợ cấp, người lao động có mặn mà với chương trình đào tạo nghề do Trung tâm triển khai không, thưa ông?
Ông Phùng Văn Hùng: Trong cả năm 2024, chỉ có 203 người đăng ký học nghề trong khi hơn 10.000 người đã được duyệt trợ cấp. Tức là tỉ lệ này cực kỳ thấp. Điều này cho thấy dù vượt qua vòng xét duyệt hồ sơ, nhiều người không mặn mà với các chương trình đào tạo lại.
Trường hợp như anh Phạm Văn Dũng (SN 2003, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương), khi được giới thiệu nghề, lại từ chối vì không phù hợp với sở thích hoặc nhu cầu cá nhân.
Ngay cả với những lao động đã vượt qua vòng xét duyệt và được xác nhận đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, hành trình tái hòa nhập thị trường lao động cũng không dễ dàng. Một trong những điểm nghẽn lớn là việc tham gia các chương trình đào tạo nghề – vốn được thiết kế để giúp người lao động chuyển đổi công việc sau khi mất việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ quan tâm và tham gia vào các khóa học này vẫn còn rất hạn chế.
Ông đánh giá nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng người lao động không mặn mà với học nghề sau khi thất nghiệp?
Ông Phùng Văn Hùng: Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ tâm lý muốn đi làm ngay để có thu nhập. Đa phần người lao động là trụ cột kinh tế trong gia đình, nên việc bỏ ra vài tháng để học nghề là điều rất khó.
Mức hỗ trợ hiện nay chưa đủ hấp dẫn để họ yên tâm học tập. Nhiều người cho rằng học xong cũng chưa chắc xin được việc tốt, nên họ chọn làm các công việc ngắn hạn, linh hoạt, lương thấp cũng được – miễn có tiền trang trải ngay.
![]() |
Còn về phía các cơ sở đào tạo nghề, họ gặp những khó khăn gì trong triển khai chính sách này?
Ông Phùng Văn Hùng: Các cơ sở đào tạo cũng không dễ dàng gì. Do lượng đăng ký thấp nên nhiều lớp không đủ học viên, buộc phải hủy hoặc hoãn, gây lãng phí thời gian, ngân sách và nhân lực.
Thêm vào đó, danh mục ngành nghề đào tạo hiện nay còn hạn chế – chủ yếu là các nghề sơ cấp như cắt tóc, nấu ăn, may mặc, tin học văn phòng… Dù dễ tiếp cận nhưng lại chưa thực sự hấp dẫn người lao động, nhất là trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu, nghề nghiệp có khả năng bứt phá thu nhập.
Bên cạnh sự thờ ơ từ phía người lao động, các cơ sở đào tạo nghề cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai chương trình dành cho người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều lớp học buộc phải hủy hoặc hoãn do không đủ số lượng học viên đăng ký, gây lãng phí nguồn lực và làm gián đoạn kế hoạch đào tạo.
Vậy đâu là giải pháp để tháo gỡ những nút thắt trong đào tạo nghề cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Ông Phùng Văn Hùng: Trước hết, cần mở rộng danh mục đào tạo theo đúng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường. Những ngành nghề mới, có triển vọng phát triển, thu nhập tốt nên được đưa vào chương trình.
Đặc biệt, tôi đề xuất đẩy mạnh tư vấn, định hướng xuất khẩu lao động cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp – nhất là tại các địa phương còn dư thừa lao động, nhưng cơ hội việc làm trong nước lại ít.
Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, các bộ ngành liên quan sẽ quan tâm hơn đến việc thiết kế chính sách sát thực tế, đồng thời nâng cao tính hấp dẫn trong học nghề để chính sách này phát huy hiệu quả đúng nghĩa là “bàn đạp” giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.
![]() |
Dù chính sách hỗ trợ học nghề khi thất nghiệp đã được triển khai bài bản, nhưng hiệu quả vẫn còn xa kỳ vọng. Cần sự linh hoạt hơn trong thiết kế chương trình đào tạo, lắng nghe người lao động nhiều hơn và liên kết chặt với nhu cầu doanh nghiệp – khi đó, chính sách mới thực sự là “chiếc cầu” tái hòa nhập thị trường lao động.
Xin cảm ơn ông!