Ủy viên Ủy ban Kinh tế: Cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân

22:28 21/05/2023

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khẳng định cần cân bằng lợi ích Nhà nước và sự linh hoạt của hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sự đa dạng của thực tiễn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, trong rất nhiều trường hợp, khi công ty con có sở hữu trên 50% vốn của doanh nghiệp nhà nước thì lợi ích của Nhà nước và lợi ích của các nhà đầu tư tư nhân khác là khá tương đương nhau. Do vậy, xét về mặt lợi ích, rất cần có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư tư nhân để phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, bảo đảm tính nhanh nhạy, vì lợi ích doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước nắm một phần vốn điều lệ cũng đã thiết kế những quy trình, thủ tục đấu thầu phù hợp, vừa bảo đảm sự nhanh nhạy kịp thời, vừa bảo đảm tốt nhất lợi ích của các cổ đông và của chính doanh nghiệp; thậm chí trong một số trường hợp, cơ chế bảo vệ lợi ích của họ tốt không kém hoặc là tốt hơn; vì vậy, không nhất thiết phải áp dụng một quy trình cứng nhắc mà theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và cổ đông. Với những lý do trên, nên cân nhắc chỉ giới hạn mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với công ty con sở hữu 100% vốn doanh nghiệp nhà nước, không nên mở rộng đối tượng đối với công ty con sở hữu trên 50% vốn doanh nghiệp nhà nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu.

Chính phủ vừa công bố Nghị quyết 45/NQ-CP (Nghị quyết 45) ngày 31/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 10).

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP vào năm 2025 và 60-65% GDP năm 2030. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hằng năm, khoảng 35-40% số doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ hai năm 2023 do Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam tổ chức sáng 2/4/2023 với chủ đề “Để kinh tế tư nhân thật sự là động lực quan trọng của nền kinh tế trong tình hình mới”, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, kinh tế tư nhân đã đồng hành cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội cả nước qua nhiều thời kỳ và từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là “động lực quan trọng”.

Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như các tập đoàn Vingroup, Trường Hải Thaco, Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG... Đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh. Hiện, cả nước có hơn 786 nghìn doanh nghiệp tư nhân (chiếm 98% trong tổng số khoảng 800 nghìn doanh nghiệp) đóng góp trung bình gần 46% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách.

Tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng theo TS Cấn Văn Lực, mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 là rất cao, là nhiệm vụ rất khó khăn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi lẽ, tại Nghị quyết 10, chúng ta đã từng đặt kế hoạch có một triệu doanh nghiệp, đóng góp 55% GDP vào năm 2020 nhưng chưa đạt được. Hiện tại mới có 800 nghìn doanh nghiệp, đóng góp khoảng 46% GDP.

P.V (t/h)