Ủy ban Kinh tế: Mức giảm trừ gia cảnh không đủ cho chi tiêu cơ bản

23:24 25/05/2023

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá thấp so với mức sống người dân và đề nghị Chính phủ sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội, ngày 25/5, bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại quá thấp so với mức sống người dân và đề nghị Chính phủ sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Mức giảm trừ gia cảnh hiện tại là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020.

Bà Mai cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh này không còn phù hợp với biến động liên tục mặt bằng giá, tạo ra sự thiếu công bằng với các đối tượng nộp thuế.

Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Hiện hầu hết mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch Covid-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên, trong khi thu nhập của họ không tăng, thậm chí giảm.

"Với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản", bà Mai nói.

Mặt khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, về bản chất thuế thu nhập cá nhân là công cụ giúp điều tiết vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội qua điều tiết giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho những đối tượng thu nhập thấp hơn.

Tuy nhiên, quy định 7 bậc thuế hiện nay chưa đảm bảo phù hợp thực tế. "Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp kê khai, thu nộp và quản lý thuế dễ dàng hơn. Điều chỉnh số bậc thuế thì việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập", bà đề nghị.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện trong chương trình của Quốc hội có sửa 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Khi sửa luật này sẽ lấy ý kiến của giai tầng xã hội và các tổ chức, cá nhân để sửa phù hợp với tình hình thu nhập thực tế. Sau đó Ban soạn thảo sẽ đưa ra qua nhiều vòng thẩm định. Nhưng luật phải phù hợp với thực tiễn và tạo động lực cho sự phát triển.

Theo ông Phớc, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi. Việc đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cụ thể như thế nào do Quốc hội quyết định. Lúc đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chuẩn bị nội dung đảm bảo đúng tiến độ.

P.V (t/h)