Không chỉ góp phần giải tỏa áp lực hạ tầng hiện hữu, tuyến đường này còn là đòn bẩy chiến lược đưa TP. Hồ Chí Minh hướng đến một đô thị hiện đại, bền vững, gắn kết giữa giao thông, cảnh quan và kinh tế đô thị.
Hai hướng tuyến – Một chiến lược phát triển đồng bộ
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, tuyến đường ven sông Sài Gòn hiện có hai nhánh chính, chạy dọc hai bờ sông qua địa bàn thành phố sau sáp nhập. Tuyến 1 thuộc khu vực TP. Hồ Chí Minh cũ và tuyến 2 kéo dài qua địa bàn tỉnh Bình Dương (trước đây).
Tuyến 1, thuộc địa bàn TP. Hồ Chí Minh (trước sáp nhập), là một trong các tuyến trục chính đô thị theo hướng Bắc – Nam đã được phê duyệt trong Quy hoạch TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến sau năm 2050 (theo Quyết định 1711/QĐ-TTg ngày 31/12/2024) và Quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060 (theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 11/6/2025).
![]() |
Tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ là hạ tầng giao thông chiến lược mà còn là đòn bẩy phát triển đô thị mới cho TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập. |
Theo đó, tuyến ven sông Sài Gòn – Huỳnh Tấn Phát được quy hoạch dài 78,2km, mặt cắt ngang từ 4 đến 8 làn xe, bắt đầu từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ cũ). Tuyến đường này có vai trò then chốt trong việc kết nối khu vực phía Bắc với trung tâm thành phố và kéo dài đến phía Nam qua cầu Cần Giờ – tuyến đường huyết mạch mới trong trục phát triển đô thị ven sông.
Hiện TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn, dài 1,95km, mặt cắt rộng 31–33m. Dự án dự kiến được thực hiện bằng vốn ngân sách Thành phố. Đây được xem là đoạn tuyến kiểu mẫu, mở đầu cho toàn tuyến ven sông với vai trò vừa là trục giao thông chiến lược, vừa là tuyến cảnh quan đô thị đặc sắc.
Với mục tiêu là tạo ra trục giao thông mới dọc hành lang Bắc – Nam thành phố, góp phần giảm áp lực cho các tuyến đường hiện hữu như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài và đặc biệt là các tuyến Vành đai 2, 3 và 4. Tuyến đường còn kết nối với các trục ngang hướng sang Bình Dương thông qua cầu Phú Long, Phú Cường, Bến Súc, tạo thành mạng lưới liên kết liên vùng hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở chức năng giao thông, tuyến đường ven sông còn đóng vai trò như một trục phát triển cảnh quan, dịch vụ – thương mại ven sông, hình thành hệ sinh thái đô thị mới tích hợp giữa không gian xanh, khu đô thị thông minh, hệ thống logistics đường thủy và các trung tâm du lịch.
Với định hướng khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông sau khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, tái đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng sống người dân.
Tuyến 2 – Trục động lực phía Đông Bắc trên địa bàn Bình Dương (trước sáp nhập)
Tuyến đường ven sông Sài Gòn cũng được quy hoạch xuyên suốt địa bàn tỉnh Bình Dương cũ, nay thuộc TP. Hồ Chí Minh mở rộng. Tuyến có tổng chiều dài khoảng 98,2km, với nền đường rộng 32m, kéo dài từ huyện Dầu Tiếng đến TP. Thủ Đức. Đây là trục giao thông song song với Quốc lộ 13 – tuyến vốn đã quá tải, thường xuyên ùn tắc trong nhiều năm.
Đặc biệt, đoạn từ Cảng An Sơn đến đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được điều chỉnh mở rộng lên 42m nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và tổ chức giao thông hiệu quả. Tuyến đường còn đóng vai trò là hành lang cảnh quan ven sông, kết nối các khu đô thị như An Sơn, An Tây, và các cảng thủy nội địa, tạo nền tảng phát triển chuỗi đô thị sinh thái ven sông phía Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh.
![]() |
Tuyến đường ven sông sẽ tạo ra các không gian công cộng ven sông, các bãi đỗ xe, công viên, khu dịch vụ ven bờ, vừa phục vụ dân sinh vừa thu hút du khách trong và ngoài nước. |
Hiện nay, một số đoạn tuyến trên địa bàn TP. Thuận An và TP. Thủ Dầu Một (trước sáp nhập) đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đang trong quá trình triển khai. Các đoạn đã đầu tư trước đó sẽ giữ nguyên hiện trạng để tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo đồng bộ quy hoạch.
Đáng chú ý, nhiều đoạn thuộc tuyến ven sông Sài Gòn nằm trong các khu vực phát triển đô thị theo mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng), đang thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các dự án nổi bật có thể kể đến như: Khu vực phát triển đô thị Tân An, Khu đô thị Tây Phú An, Tây An Tây, Khu đô thị Bắc đường Vành đai, Tây Bắc Bắc đường Vành đai 4… hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho đô thị ven sông khu vực phía Bắc – Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh.
Động lực phát triển đô thị hiện đại, bền vững
Tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ là hạ tầng giao thông chiến lược mà còn là đòn bẩy phát triển đô thị mới cho TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập. Đây là mô hình tích hợp giao thông – đô thị – cảnh quan – thương mại – sinh thái được giới chuyên gia đánh giá cao về tầm nhìn và hiệu quả lâu dài.
Việc quy hoạch và đầu tư bài bản tuyến đường này sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu đô thị về hướng sông – một hướng phát triển bền vững được nhiều quốc gia áp dụng thành công. Đồng thời, khi hình thành, tuyến đường còn tạo ra các không gian công cộng ven sông, các bãi đỗ xe, công viên, khu dịch vụ ven bờ, vừa phục vụ dân sinh vừa thu hút du khách trong và ngoài nước.
Với quyết tâm chính trị cao, sự tham gia đồng bộ của chính quyền và nhà đầu tư tư nhân, tuyến đường ven sông Sài Gòn hứa hẹn sẽ là một biểu tượng mới của TP. Hồ Chí Minh trong thời kỳ phát triển hiện đại, sinh thái và gắn kết vùng.