TS. Phan Hữu Thắng: Cần có sự quan tâm đúng mức về mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và FDI

13:54 20/11/2023

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao và đưa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hợp tác với FDI chưa được quan tâm đúng mức.

Ảnh minh họa
TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) (Ảnh: Internet)

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa phát triển đủ nhanh

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các hoạt động của khối FDI đã gián tiếp đưa đến cho nước ta rất nhiều bài học về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, giúp doanh nghiệp Việt lớn mạnh nhanh hơn.

Ông Thắng cho biết, nhiều công ty đã tự phát triển các dự án lớn phục vụ tiêu dùng trong nước, từ lĩnh vực bất động sản, dầu khí đến ôtô, công nghệ thông tin và còn vươn ra nước ngoài. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất là sự thiếu liên kết giữa khối FDI với doanh nghiệp trong nước và chuyển giao công nghệ chưa hiệu quả.

Theo ông Thắng, trong nhiều dự án FDI, hình thức nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 13%, còn lại đều là 100% vốn ngoại. “Ngoài ra, trong gần 400 hợp đồng chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI  trong 5 năm gần đây không có sự tham gia của công ty trong nước. Hệ quả là các công ty nội chưa thể theo dấu “đại bàng" để cất cánh”, ông phân tích.

Ông Phan Hữu Thắng chỉ ra nguyên nhân là do công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa phát triển đủ nhanh, việc đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cao và đưa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hợp tác với FDI chưa được quan tâm đúng mức. “Nếu nhà đầu tư nước ngoài có thiện chí chuyển giao công nghệ, họ sẽ chuyển giao cho ai?”, ông nói thêm.

Ông Thắng lấy dẫn chứng câu chuyện khi Honda mở nhà máy sản xuất xe gắn máy tại Việt Nam vào những năm 90. Vào thời điểm này, tập đoàn Nhật Bản đã khảo sát hàng chục công ty cơ khí nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, họ không tìm được đối tác để hợp tác sản xuất phụ tùng, linh kiện. Nhà máy không thể nội địa hóa ngay từ đầu, tỷ lệ này đã tăng dần theo thời gian.

Cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược thu hút FDI

TS. Phan Hữu Thắng cũng cho rằng nên đánh giá quá trình thu hút, quản lý FDI 35 năm qua trong bối cảnh đất nước gần như phải bắt đầu từ con số 0 sau thời gian dài chiến tranh. Khi mở cửa, Việt Nam thiếu cả hạ tầng cứng lẫn kiến trúc thượng tầng quản lý kinh tế thị trường, công nghệ, tài chính. “Các thành công này chủ yếu, tồn tại là thứ yếu trong một quá trình phát triển nhanh”, ông Thắng cho biết thêm.

Để tránh lặp lại những hạn chế cố hữu, TS Thắng cho rằng, các cơ quan chức năng cần hiện thực hóa đúng với định hướng trong nghị quyết của Bộ Chính trị năm 2019 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh, chủ trương này đã nêu rõ tinh thần “hợp tác" với FDI thay vì “thu hút" đơn thuần.

“Có cơ hội từ dòng vốn trên toàn cầu đang dịch chuyển nhưng Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu thật sự muốn có một làn sóng đầu tư mới”, chuyên gia nói.

Ông Thắng khẳng định, với việc sàng lọc dự án, để đạt được mục tiêu thu hút vốn FDI giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 như Nghị quyết 50-NQ/TW đã đặt ra, trước hết, cần sớm xây dựng và triển khai chiến lược thu hút FDI để định hướng hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương.

Cũng theo ông Thắng, chiến lược thu hút FDI thời kỳ 2021-2030 cần xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên thu hút các dự án công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

Ông Thắng khẳng định, hiện tại, trình độ phát triển giữa các địa phương trong cả nước còn khác nhau nên cần thu hút FDI cân đối, hợp lý giữa các vùng miền, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới. Do vậy cần có quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội từ nguồn vốn FDI. Theo đó, những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng, cần tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại.

Ông Thắng kết luận, các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn vẫn tiếp tục thu hút các dự án FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công nghệ, môi trường, tiết kiệm năng lượng. Danh mục các dự án quốc gia gọi vốn FDI cần xác định rõ từng loại dự án quy mô lớn theo ngành trên từng địa bàn cụ thể, vừa rõ ràng minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài, vừa tránh được sự cạnh tranh chạy dự án giữa các địa phương, giữa các nhà đầu tư,... có thể làm xấu và giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Nghệ Nhân