![]() |
TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, khi tín dụng được thúc đẩy nhằm kích thích tăng trưởng thì rủi ro nợ xấu lại trở thành một bài toán nan giải đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tại Hội thảo trực tuyến “Triển vọng tín nhiệm Việt Nam 2025: Nắm bắt cơ hội trước bất định toàn cầu, mở ra kỷ nguyên phát triển mới”, TS. Nguyễn Tú Anh – Vụ trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương – đã chia sẻ những nhận định sắc bén về tình hình tài chính của các ngân hàng trong năm tới.
Ông Tú Anh cho biết, mặc dù sức khoẻ tài chính của các ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt với quy mô tài sản và vốn tự có ngày càng lớn, cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro theo Basel II, trung bình tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,4% – con số phản ánh nền tảng tài chính vững chắc. Trong quý IV/2024, tỷ lệ tăng nợ xấu đã có xu hướng giảm dần, tạo ra những tín hiệu tích cực cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, những thách thức tiềm ẩn xuất hiện.
Ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, khi Thông tư 06 hết hiệu lực sau ngày 31/12/2024, bức tranh nợ xấu của các ngân hàng sẽ trở nên rõ nét hơn. Các khoản nợ tái cơ cấu có thể không chuyển sang nhóm nợ ít rủi ro, từ đó làm gia tăng áp lực cho hệ thống quản lý rủi ro. Đồng thời, mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên tới 16% cũng đặt ra kỳ vọng lớn, nhưng điều này chỉ khả thi nếu nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% như chính phủ đề ra. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài mà chúng ta không kiểm soát được, do đó, nếu các mục tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt được, sức ép của mục tiêu tín dụng cao sẽ làm tăng nguy cơ nợ xấu.
Bên cạnh đó, ông Tú Anh cũng lưu ý về tình hình thị trường bất động sản. Nếu giá thị trường bất động sản giảm nhằm đẩy nhanh thanh khoản, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của các khoản thế chấp, từ đó làm gia tăng nguy cơ nợ xấu. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang duy trì ở mức cao có thể khiến cán cân thanh toán tiếp tục âm, ảnh hưởng tiêu cực đến dự trữ ngoại hối. Khi cung tiền không được tăng kịp với kỳ vọng, khả năng mở rộng tín dụng cũng sẽ gặp khó khăn, đồng thời việc cải thiện các khoản nợ tái cơ cấu và các nhóm nợ có rủi ro cao sẽ càng trở nên hạn chế.
Năm 2025 hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới cho nền kinh tế Việt Nam với những động lực tăng trưởng mạnh mẽ và đa chiều. Theo ông Tú Anh, tổng cầu của nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh nhờ vào sự bùng nổ của các hoạt động đầu tư công quy mô lớn, kết hợp cùng các chính sách tiền tệ và tài khóa được nới lỏng một cách thận trọng. Sự kết hợp này dự kiến sẽ tạo ra một lượng cung vốn và cung tiền dồi dào, qua đó kích thích tổng cầu và mang lại sức sống mới cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, điều được thể hiện rõ qua đà tăng trưởng ấn tượng của FDI ngay từ đầu năm. Song song với đó, quá trình tinh gọn bộ máy Nhà nước đang tạo ra một luồng vốn lớn, không chỉ giúp cải thiện hiệu quả quản lý mà còn góp phần bơm thêm nguồn lực cho các định chế tài chính và các hoạt động khởi nghiệp phát triển trong tương lai. Không thể không nhắc đến sự hồi phục mạnh mẽ của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Về mặt tổng cung, các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước và cả các doanh nghiệp nước ngoài đã góp phần nâng cao sản lượng tiềm năng cũng như năng suất nhân tố tổng hợp của nền kinh tế. Các dự án lớn được triển khai và hoàn thành không chỉ cải thiện hạ tầng hỗ trợ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Thêm vào đó, từ quý IV/2024, thị trường bất động sản cho thấy những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, nhờ vào khung pháp lý được củng cố thông qua việc thực thi đồng bộ các quy định của Luật Đất Đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Ngoài những động lực truyền thống, ông Tú Anh còn nhấn mạnh hai yếu tố có tính cách mạng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế. Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Nhà nước không chỉ giúp loại bỏ những đầu mối trung gian và giảm bớt thủ tục hành chính, mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giúp rút ngắn thời gian xử lý công việc và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Cùng với đó, chuyển đổi số đang được đẩy mạnh thông qua các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng số và các chương trình đổi mới công nghệ, hứa hẹn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế trong vòng 5 năm tới.
Trên bình diện quốc tế, tác động của việc ông Trump đảm nhiệm chức Tổng thống Mỹ cũng mang lại những lợi ích nhất định cho Việt Nam, dù đồng thời cũng đặt ra không ít bất định. Mỹ, với vai trò là một quốc gia nhập khẩu lớn, luôn cần tìm kiếm nguồn cung cấp chế biến và sản xuất cạnh tranh. Trong bối cảnh Trung Quốc từng giữ vai trò là đối tác chủ lực của Mỹ, nhưng sự trỗi dậy của nước này đã khiến chính quyền Mỹ tìm kiếm những đối tác mới với những lợi thế cạnh tranh khác, trong đó Việt Nam đang nổi lên như một lựa chọn hấp dẫn.
"Việt Nam là một trong những quốc gia chưa bị Mỹ nhắm tới. Rất có thể, khi gây thương chiến khắp nơi, Mỹ vẫn chừa lại một số quốc gia với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu chế biến, chế tạo cho Mỹ giá rẻ và cạnh tranh", ông Tú Anh nói.
Tuy nhiên, rủi ro không thể loại trừ khi Việt Nam có mức thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ, điều này có thể dẫn đến những yêu cầu khắt khe hơn từ phía chính quyền Mỹ.
Vì vậy, ông Tú Anh cảnh báo rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để duy trì lợi ích đôi bên, tận dụng tối đa những cơ hội hiện có trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.