TS. Nguyễn Hữu Huân: Chính sách tiền tệ không phải là “cây đũa thần” vì cần phải có độ trễ để thực thi

15:01 09/10/2023

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, chính sách tiền tệ không phải là “cây đũa thần” và bất kỳ một chính sách nào đưa ra cũng cần phải có độ trễ để thực thi.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, việc giảm lãi suất 1% ở giai đoạn bình thường sẽ góp phần đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 1 - 1,5% nhưng hiện tại, việc giảm lãi suất không còn tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Ông Huân cho rằng, nguyên nhân là do phía cầu của nền kinh tế đang quá yếu. Rất nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh, người dân cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hạn chế vay vốn để tiêu dùng. Đối với những doanh nghiệp có nhu cầu thì khó có thể tiếp cận được do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không chứng minh được dòng tiền. Đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, việc định giá tài sản đang bị thay đổi do thị trường lâm vào tình trạng suy yếu từ tháng 6/2022 đến nay.

Ảnh minh họa
TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Ông Huân phân tích, nếu trước đây một bất động sản thế chấp tại ngân hàng có thể vay được 100 đồng, thì hiện tại cũng là bất động sản đó nhưng chỉ vay được 60-70 đồng. Nguyên nhân là vì thị trường gần như đóng băng, hệ thống các ngân hàng cân nhắc mạnh mẽ về vấn đề rủi ro. Như vậy, lượng tiền doanh nghiệp có thể vay được sẽ giảm đi, kéo theo khả năng và nhu cầu vay vốn giảm theo.

“Bối cảnh hiện nay là lãi suất giảm nhưng thị trường vẫn chưa đủ điều kiện về sức khỏe để có thể tiếp nhận”, ông Huân nói.

Mặt khác, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc nguồn vốn dư thừa và nền kinh tế không hấp thụ được còn đến từ việc chuyển trạng thái điều hành chính sách tiền tệ quá nhanh. Bản thân chính sách tiền tệ không phải là “cây đũa thần” và bất kỳ một chính sách nào đưa ra cũng cần phải có độ trễ để thực thi.

Vì vậy, ông Huân khẳng định, việc thắt chặt hay nới lỏng quá nhanh rất dễ gây ra các “cú sốc” không đáng có cho nền kinh tế cũng như gây ra tác dụng phụ. Trong trường hợp này, cho dù nền kinh tế hấp thụ hết được lượng vốn thì vấn đề tiếp theo có thể phải đối mặt là lạm phát và tỷ giá. Khi đó, vòng xoáy luẩn quẩn giữa việc đánh đổi tăng trưởng và kiểm soát lạm phát sẽ tiếp tục tiếp diễn trong nền kinh tế.

Trong khi đó, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho rằng, phần lớn nằm ở mức độ “dò xét” của các ngân hàng vẫn còn gay gắt. Trong bối cảnh khó khăn đặc biệt như hiện tại, nhưng điều kiện cho vay vẫn áp dụng như bối cảnh bình thường khiến hầu hết các doanh nghiệp khó tiếp cận.

Theo ông Điền, hồ sơ vay vốn chưa tới cửa ngân hàng đã bị dội trở lại. Dần dà, doanh nghiệp cũng thôi hy vọng vào nguồn vốn ngân hàng và tự tìm cách xoay xở ở những kênh huy động khác với lãi suất cao, khó quá thì doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ là tốt, nhưng giảm lãi suất không phải là tất cả để có thể tăng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao. Họ sẵn sàng chi trả với lãi suất cao để có thể vay được vốn tín dụng.

Ông Điền khẳng định, Nhà nước thời điểm này nên đẩy mạnh chi tiêu, tăng chi giảm thu. Có nghĩa, bên cạnh chính sách tiền tệ thì cũng quan tâm và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa chính sách tài khóa để kích cầu tiêu dùng.

Nghệ Nhân