Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam
TS. Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do FTA và được thế giới công nhận là một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, các chính sách về thuế quan, hành lang pháp lý trong lĩnh vực ô tô và linh kiện, phụ tùng nhập khẩu chưa thực sự cân bằng giữa các thị trường.
“Cụ thể, đối với các quốc gia ASEAN, Việt Nam đang áp thuế 0% đến hết năm 2027 đối với các mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Trong quan hệ với Hàn Quốc, theo Nghị định số 125/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều mặt hàng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng được áp thuế suất 0% kể từ năm 2022”, ông Khôi nói.
TS. Lê Huy Khôi cho biết thêm, thuế suất đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu từ 27 quốc gia EU vẫn ở mức khá cao. Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len (UKVFTA), chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu được điều chỉnh giảm dần từ năm 2022 đến năm 2027. Ví dụ, theo EVFTA, trong năm 2023, sản phẩm bugi, lốp xe con đang được áp thuế lần lượt là 5% và 12,5%. Đến năm 2027, các sản phẩm này sẽ được giảm thuế về 0%, nghĩa là chậm hơn 5 năm so với Hàn Quốc, ASEAN. Theo UKVFTA, một số sản phẩm được áp thuế 0% sớm hơn kể từ năm 2025.
Về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS. Lê Huy Khôi cho rằng, cần phải đảm bảo phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia; phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng và địa phương; xác định ngành công nghiệp ô tô vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò then chốt trong thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp và góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thứ nhất, phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở đi tắt, đón đầu các xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ về sản xuất và tiêu dùng từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe tiết kiệm nhiên liệu, xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác,... của thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải CO2 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26;
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp ô tô mang tính đột phá cho hoạt động nghiên cứu, mua bán, chuyển giao công nghệ cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện và ô tô sử dụng năng lượng mới có quy mô lớn nhằm không chỉ bám sát, mà hướng tới mục tiêu bắt kịp và vượt các nước trong khu vực và trên thế giới;
Thứ ba, phát triển ngành công nghiệp ô tô dựa trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng từng bước và tiến tới đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo cho nhu cầu về an ninh, quốc phòng của quốc gia, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện, nâng cao đời sống của người dân;
Thứ tư, phát triển ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở khuyến khích, mở rộng tiêu dùng ô tô trong nước, hướng tới đáp ứng quy mô thị trường trong nước đủ lớn nhằm tạo dựng thị trường cho phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước. Định hướng và tập trung đầu tư phát triển một số doanh nghiệp ô tô đầu đàn trên cơ sở khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và hướng tới mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Ông Khôi khẳng định, để phát huy nội lực của quốc gia; phải chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông; đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường nội địa và định hướng ngày càng tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành tô tô toàn cầu; mở rộng, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu các sản phẩm của ngành ô tô; đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường và định hướng chuyển dịch hoàn toàn sang sản xuất, cung ứng các sản phẩm ô tô sử dụng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới khác,... tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại.
Đáp ứng được nhu cầu thị trường ô tô nội địa
Theo TS. Lê Huy Khôi, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam không chỉ đảm bảo mục tiêu đóng góp, nâng cao hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu thị trường nội địa, và tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp tô tô toàn cầu, mở rộng, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu trên cơ sở đảm bảo đáp ứng các yêu cầu mới, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường và chuyển hoàn toàn sang sản xuất, cung ứng các sản phẩm ô tô sử dụng điện và năng lượng xanh, năng lượng mới. Cụ thể:
Đến năm 2030: Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên cơ sở bảo đảm về mục tiêu, hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội; hướng mục tiêu tới việc tiếp cận và chủ động về công nghệ sản xuất các chi tiết máy; đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh, tăng cường khả năng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, có giá trị xuất khẩu lớn;
Đến năm 2045: Phát triển ngành công nghiệp ô tô không chỉ đảm bảo mục tiêu đóng góp, nâng cao hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội mà còn đáp ứng các yêu cầu mới, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường và chuyển hoàn toàn sang sản xuất, cung ứng các sản phẩm ô tô sử dụng điện và năng lượng xanh, năng lượng mới; tiến tới chủ động hoàn toàn về công sản xuất động cơ cho hầu hết các chủng loại xe; đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp tô tô toàn cầu; mở rộng, nâng cao kim ngạch và giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Trong đó, gai đoạn từ năm 2023 - 2030, đây được xác định là giai đoạn khởi đầu cho chiến lược, định hướng phát triển ngành ô tô Việt Nam sẽ đạt mức cơ giới hoá vào năm 2030 và đạt khoảng trên 1,5 triệu xe các loại. Trong giai đoạn này xác định các dòng xe động cơ đốt trong vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cả sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Giai đoạn 2031 - 2035 sẽ là giai đoạn bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh; lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... sẽ tăng mạnh mẽ, dần thay thế các dòng xe động cơ đốt trong.
Giai đoạn 2035 - 2045 và những năm tiếp theo được xác định sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh của lượng xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... và tiến dần đến sự ổn định của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, xe điện hoá, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng mặt trời , sử dụng nhiên liệu sinh học và nhiên liệu xanh mới,... sẽ thay thế hoàn toàn 100% xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2050.
Phan Chính (ghi)