Trong làn sóng cắt giảm, lao động dệt may ảnh hưởng nặng nề nhất

18:38 06/06/2023

Trong thị trường lao động, có đến 70.000 lao động ngành dệt may trên cả nước thôi việc, mất việc và 66.600 người bị giảm giờ làm, trong năm tháng đầu năm 2023.

Báo cáo trước phiên chất vấn tại kỳ họp 5, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội - Đào Ngọc Dung cho biết, số lao động trong doanh nghiệp bị ảnh hưởng nửa đầu năm 2023 là gần 510.000 người.

Số thôi việc, mất việc là 280.000 người; nhiều nhất là ngành dệt may, sau đó đến da giày (31.600 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người). Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội. Dệt may cũng là lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, kế đến là da giày (66.000 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000 người), chế biến gỗ (5.400 người). Lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 và ngành dệt may vẫn đứng đầu với gần 5.000 người.

Hơn 8.600 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, trong đó 27% doanh nghiệp FDI; 72% doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là vùng Đông Nam Bộ, chiếm gần 2/3; 12% doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo thống kê, lao động chưa qua đào tạo bị thôi việc, mất việc chiếm tỷ lệ lớn nhất 68%.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc cắt giảm hàng loạt xảy ra do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân. Nhiều doanh nghiệp tồn kho nhiều không xuất được, trong khi đơn hàng mới không có.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người mất, giảm giờ làm như tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề, tín dụng ưu đãi, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Thời gian tới, Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ yếu tố của thị trường lao động; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Bộ cũng giao các cơ quan đẩy mạnh dự báo nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề của doanh nghiệp; thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất.

Ngọc Phi (TH)