Điều này đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị tại Thành phố và tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho xã hội mà đa số trường hợp chăn dắt ăn xin là người nước ngoài (người Campuchia) lưu trú tại TP. Hồ Chí Minh. Dạo qua một số tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Ngô Tất Tố, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Mai Chí Thọ (TP. Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát (huyện Nhà Bè) và ngay cả khu vực trung tâm các quận (1, 3, 5), vẫn dễ dàng bắt gặp tình trạng người xin ăn, bao gồm cả người già, người tàn tật và trẻ em tiếp tục tái diễn, tập trung tại các khu vực ngã ba, ngã tư hoặc các giao lộ lớn. Tình trạng trẻ em Campuchia được cha mẹ chăn dắt ăn xin đang hoạt động khắp các quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh. Những đứa trẻ phải xin tiền, bán vé số 10 - 12 tiếng ngoài đường mỗi ngày, còn cha mẹ của chúng làm nhiệm vụ đưa đón, giám sát, kiểm đếm tiền.
Ăn xin trên đường Mai Chí Thọ (Ảnh: CA TP.HCM). |
Trả lời về vấn đề này, đại diện từ phía Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công an Thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của UBND Thành phố và văn bản số 6608/UBND-VX ngày 29/12/2023 của UBND Thành phố và căn cứ tình hình thực tế đã Công an Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 2493/KH-CATP-PC06 ngày 16/5/2024 về mở cao điểm phối hợp tăng cường công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống ngoài xã hội không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn Thành phố. Trong đó, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung rà soát, xác minh xử lý đối với các trường hợp nghi vấn hoạt động “chăn dắt”. Qua đó đã lập danh sách quản lý đối với 08 trường hợp thuộc diện nghi vấn "chăn dắt" và hiện đang tiếp tục tổ chức xác minh, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý đối tượng chăn dắt người ăn xin, khó khăn thường gặp phải là đối tượng chăn dắt là người thân, thậm chí là cha mẹ ruột của trẻ, đối tượng chăn dắt có hướng dẫn về nội dung, cách thức cho trẻ, người ăn xin để đối phó khi lực lượng chức năng phát hiện, như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su… dẫn đến khó khăn cho công tác củng cố hồ sơ, chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khó khăn thường gặp phải là đối tượng chăn dắt là người thân, thậm chí là cha mẹ ruột của trẻ. |
Để giải quyết tình trạng này, Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội thường xuyên rà soát các địa bàn có đông người Campuchia sinh sống (như khu vực nhà trọ ở Quốc lộ 1A phường Tân Tạo, quận Tân Bình; cư xá đường sắt Phường 1, Quận 3; nhà trọ ở đường Nguyễn Văn Luông, Phường 10, Quận 6) để phát hiện số người Campuchia sống lang thang, ăn xin và đưa vào Trung tâm hỗ trợ xã hội quản lý trong thời gian bàn giao cho Cơ quan ngoại giao Campuchia đưa về nước hoặc thi hành quyết định xử phát trục xuất.
Trong thời gian tới để xử lý triệt để tình trạng trên sẽ tăng cường kiểm tra lưu trú, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp tái phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tính từ khi mở cao điểm đến nay, Công an các địa phương đã phối hợp, tiến hành thu gom gần 1.000 trường hợp. Riêng đối với các trường hợp ăn xin là người nước ngoài (người Campuchia), Công an Thành phố đã phối hợp Trung tâm hỗ trợ xã hội - Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý 143 trường hợp, trong đó xử lý 83 trường hợp (ra quyết định xử phạt, trục xuất 37 trường hợp trên 16 tuổi, bàn giao 46 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi cho phía Campuchia).
Qua xử lý các trường hợp sống lang thang, ăn xin là người Campuchia, Công an Thành phố nhận thấy hầu hết số này là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già có hoàn cảnh khó khăn sống tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam (như tỉnh Svay Rieng, Prey Veng) đã lợi dụng Hiệp định chung về quy chế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia để dễ dàng nhập cảnh trở lại qua các cửa khẩu hoặc qua các đường tiểu ngạch vào Việt Nam dù trước đó đã bị cơ quan chức năng Việt Nam trục xuất.