Bài liên quan |
Cảnh báo mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản |
Giá vàng trong nước đi ngang; Ngân hàng đẩy mạnh tái cấu trúc hoạt động kinh doanh vàng theo hướng minh bạch |
Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo lần này là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc bãi bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền trong sản xuất vàng miếng – một bước đi được xem là nhạy cảm nhưng cần thiết nhằm hướng đến một thị trường vàng cạnh tranh, công khai và minh bạch hơn.
![]() |
Đề xuất hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản |
Điều kiện nghiêm ngặt để được cấp phép sản xuất vàng miếng
Theo dự thảo nghị định, khi độc quyền sản xuất vàng miếng của Nhà nước được xóa bỏ, doanh nghiệp và tổ chức tín dụng muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất vàng miếng phải đáp ứng hàng loạt điều kiện nghiêm ngặt. Cụ thể, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, còn với các ngân hàng, mức vốn điều lệ yêu cầu tối thiểu lên tới 50.000 tỷ đồng.
Ngoài yêu cầu về vốn, tổ chức xin cấp phép còn phải có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng, hoặc nếu đã từng bị xử phạt thì phải hoàn tất các biện pháp khắc phục hậu quả. Đồng thời, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cũng cần xây dựng quy trình nội bộ rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất vàng miếng.
Hiện nay, cả nước có 38 tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, theo số liệu về vốn điều lệ hiện hành, chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn đáp ứng đủ điều kiện về vốn như Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Tập đoàn DOJI. Về phía ngân hàng, các "ông lớn" như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, MB và VPBank là những đơn vị có đủ điều kiện để tham gia sản xuất vàng miếng nếu chính sách được thông qua.
Vẫn còn ý kiến trái chiều, NHNN bảo vệ quan điểm mở cửa có kiểm soát
Trong quá trình lấy ý kiến, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đề xuất không nên cho phép tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng, với lập luận điều này có thể mâu thuẫn với Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, NHNN khẳng định rằng quy định tại Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024 cho phép ngân hàng thương mại được kinh doanh vàng nếu được Thống đốc NHNN chấp thuận.
Theo NHNN, việc cấp phép sản xuất vàng miếng cho các ngân hàng thương mại là phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi thị trường cần nhiều hơn sự tham gia của các chủ thể có năng lực tài chính và năng lực quản trị để tạo ra một sân chơi minh bạch, hạn chế thao túng giá và hiện tượng "vàng hóa" trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi nghị định cũng thể hiện rõ định hướng của Chính phủ trong việc xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư, nhưng vẫn duy trì vai trò quản lý chặt chẽ của Nhà nước nhằm kiểm soát hiệu quả thị trường vàng trong nước.
Kiến nghị mở rộng phạm vi hoạt động và công cụ phòng ngừa rủi ro
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất vàng miếng, một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và hiệp hội đã kiến nghị NHNN nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng như vàng tài khoản, vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm vàng, cho vay vàng và đặc biệt là hình thành Sở Giao dịch vàng quốc gia.
Các đề xuất còn bao gồm việc cho phép các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu được phép sử dụng công cụ phái sinh và mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài để phòng ngừa rủi ro biến động giá. Đây là những công cụ phổ biến trên thế giới nhưng hiện nay vẫn chưa được áp dụng chính thức tại Việt Nam.
Đáp lại, NHNN cho biết sẽ tiếp thu và rà soát các quy định liên quan sau khi nghị định được ban hành. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 112 của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Thống đốc NHNN có thẩm quyền quy định về kinh doanh ngoại hối, sản phẩm phái sinh và điều kiện cung ứng các sản phẩm này đối với ngân hàng thương mại. Việc doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh cũng phải tuân thủ quy định hạch toán theo Thông tư 210/2009 của Bộ Tài chính, hướng dẫn chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam.
Đặc biệt, NHNN đang phối hợp với các bộ ngành liên quan để xem xét bổ sung vàng vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa quốc gia, theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, dự thảo nghị định vẫn chưa sửa đổi quy định về kinh doanh vàng trên tài khoản, do đây là vấn đề phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và gắn với việc thành lập Sở Giao dịch vàng tập trung trong tương lai.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012 là bước đi chiến lược nhằm tái cấu trúc thị trường vàng trong nước theo hướng minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm dần sự phụ thuộc vào vai trò độc quyền của Nhà nước trong sản xuất vàng miếng. Việc mở rộng quyền sản xuất cho các doanh nghiệp, ngân hàng có tiềm lực tài chính, song song với hoàn thiện hệ thống pháp lý và công cụ điều tiết, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng – lĩnh vực vốn nhạy cảm và dễ bị tác động bởi tâm lý đầu cơ, đầu tư.