Theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và triển vọng tăng trưởng suy giảm, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt tối thiểu 8% và duy trì tốc độ hai con số trong các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã giao các nhiệm vụ trọng tâm về chính sách tiền tệ và tài khóa.
Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành linh hoạt, chủ động và hiệu quả, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và phù hợp với các mục tiêu đã đề ra. Việc phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác được nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Một điểm nhấn quan trọng là yêu cầu chuyển dần việc điều hành tăng trưởng tín dụng từ phương thức cấp chỉ tiêu hành chính (room tín dụng) sang cơ chế thị trường, trên cơ sở đánh giá năng lực và mức độ rủi ro của từng tổ chức tín dụng (TCTD). NHNN được giao xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, thúc đẩy phân bổ vốn một cách chủ động, hiệu quả, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Việc hoàn tất khung điều hành mới này được yêu cầu trong tháng 7/2025.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ lệnh sửa luật vàng, tiến tới xoá "room" tín dụng theo hạn ngạch |
Hướng dòng vốn vào các động lực tăng trưởng mới
Thủ tướng yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, từ đó giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần định hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, gồm các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cũng như các động lực mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn.
Trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn hiện hữu, NHNN cũng được giao nhiệm vụ tăng cường các biện pháp xử lý và hạn chế nợ xấu phát sinh, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt khoảng 16% so với năm trước. Về lâu dài, đến năm 2026, tín dụng sẽ được điều hành hoàn toàn theo tín hiệu thị trường thay vì áp chỉ tiêu hành chính như hiện nay.
Trong điều kiện biến động của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, đặc biệt là việc điều chỉnh chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa giữa lợi ích về lãi suất và ổn định tỷ giá. Việc đa dạng hóa kênh cung ứng ngoại tệ, nâng cao chất lượng dự báo và phản ứng chính sách nhanh nhạy là những yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định giá trị đồng Việt Nam và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Quyết liệt sửa đổi khung pháp lý quản lý vàng
Một nội dung được đặc biệt nhấn mạnh là việc quản lý thị trường vàng - lĩnh vực có tính nhạy cảm cao và ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường. Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước ngày 15/7/2025, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đảm bảo quản lý thị trường vàng một cách hiệu quả, kịp thời, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống ngân hàng tập trung triển khai các chương trình tín dụng trọng điểm, trong đó có: Tín dụng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội dành cho người dưới 35 tuổi; Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tín dụng hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.
Trình dự thảo thí điểm tài sản mã hóa trước 15/7
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 tăng ít nhất 20% so với dự toán.
Bố trí đầy đủ, kịp thời nguồn kinh phí chi trả chính sách, chế độ theo Nghị định số 178, số 67 và các nhiệm vụ phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính, triển khai chính quyền địa phương 2 cấp. Ban hành ngay văn bản hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương (nhất là đối với cấp xã) trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các cơ chế, chính sách khác để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7; rà soát, đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/7.