![]() |
Quản lý số sê-ri vàng miếng để minh bạch thị trường |
Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 do NHNN soạn thảo đang mở ra nhiều thay đổi căn bản trong cách thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đáng chú ý là đề xuất xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép doanh nghiệp và tổ chức tín dụng có đủ điều kiện được tham gia sản xuất, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Động thái này hướng tới mục tiêu tăng nguồn cung vàng miếng trên thị trường, góp phần thu hẹp chênh lệch giá trong nước và quốc tế, từ đó giảm áp lực đầu cơ và ổn định thị trường. Tuy nhiên, cùng với việc mở cửa, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ phát sinh tiêu cực trong cấp phép, gian lận thương mại, cũng như tình trạng độc quyền nhóm nếu thiếu các công cụ giám sát hiệu quả.
Bộ Công an: Cần quản lý chặt số sê-ri vàng miếng
Trong văn bản góp ý gửi NHNN, Bộ Công an đặc biệt nhấn mạnh đến một khía cạnh còn bỏ ngỏ trong dự thảo: Việc thiếu quy định cụ thể về quản lý số sê-ri vàng miếng trong toàn bộ chu trình từ sản xuất, gia công, giao dịch cho tới tái chế thành nguyên liệu.
Theo đó, Bộ này đề xuất bổ sung quy định bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri vàng miếng vào chứng từ trong mọi hoạt động sản xuất, mua bán, chuyển nhượng vàng miếng. Việc này không chỉ giúp xác minh tính hợp pháp và truy xuất nguồn gốc vàng mà còn góp phần ngăn chặn các hành vi rửa tiền, buôn lậu hoặc buôn bán vàng giả.
"Quản lý chặt số sê-ri vàng miếng là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tính minh bạch của thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan chức năng", Bộ Công an nhận định.
Rủi ro từ “giấy phép con” và cơ chế quota
Cùng với kiến nghị về số sê-ri, Bộ Công an cũng bày tỏ lo ngại về thiết kế cơ chế cấp phép trong dự thảo. Cụ thể, quy định nhiều loại giấy phép (sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và nguyên liệu), kết hợp với cơ chế cấp hạn ngạch theo năm, theo lần, dễ dẫn đến tình trạng "giấy phép mẹ đẻ giấy phép con", phát sinh tiêu cực và tạo rào cản đối với doanh nghiệp không nằm trong nhóm được cấp phép.
Theo danh sách hiện tại, chỉ một số công ty lớn như SJC, PNJ, DOJI và các ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng tư nhân lớn mới có khả năng được tiếp cận hoạt động sản xuất, nhập khẩu vàng. Điều này đặt ra vấn đề về tính cạnh tranh và nguy cơ hình thành nhóm lợi ích chi phối thị trường.
Cam kết minh bạch, phối hợp liên ngành
Trước các góp ý này, NHNN cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để hướng dẫn cụ thể việc ghi nhận số sê-ri vàng miếng trong chứng từ giao dịch, đảm bảo có căn cứ kiểm tra hậu kiểm hiệu quả. Đồng thời, NHNN cũng khẳng định việc cấp hạn mức nhập khẩu sẽ căn cứ vào quy mô vốn, năng lực thực hiện và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, tránh cơ chế xin – cho.
Đặc biệt, quy trình cấp phép sẽ được thực hiện hoàn toàn trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh nhũng nhiễu hành chính.
Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu với thị trường tài chính quốc tế, việc mở cửa thị trường vàng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, bài học từ các giai đoạn bất ổn giá vàng trước đây cho thấy, tự do hóa không thể thiếu đi những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là cơ chế kiểm soát nguồn gốc và giao dịch.
Việc bắt buộc quản lý số sê-ri vàng miếng giống như một “căn cước công dân” của mỗi thỏi vàng sẽ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính minh bạch và chính danh cho mỗi giao dịch. Đây cũng là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận, và từ đó nâng tầm vị thế thị trường vàng Việt Nam trên trường quốc tế.