Ngày 23/6/2025, Công ty Đấu giá hợp danh Vạn Thành An (TP. Hồ Chí Minh) chính thức phát hành hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 8 khu vực mỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (địa giới hành chính cũ là Quảng Bình), thuộc đợt 1 năm 2025. Đây là bước khởi động quan trọng nhằm huy động nguồn lực xã hội vào khai thác tài nguyên, thúc đẩy phát triển hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Theo thông báo, tổng giá khởi điểm cho 8 mỏ, gồm 2 mỏ đá vôi, 1 mỏ cát và 5 mỏ đất san lấp, ước tính hơn 16 tỷ đồng. Các mỏ này có tổng trữ lượng lên tới hơn 14 triệu m³, trong đó riêng đá vôi chiếm hơn 13 triệu m³.
![]() |
Đấu giá 8 mỏ khoáng sản ở Quảng Trị đang gây tranh cãi. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, ngay sau khi hồ sơ mời đấu giá được công bố, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã bày tỏ sự quan ngại và quyết định không tham gia. Lý do được cho là vì trong hồ sơ mời đấu giá xuất hiện một điều khoản mâu thuẫn với Luật Đất đai năm 2024, tiềm ẩn nguy cơ khiến mỏ trúng đấu giá không thể triển khai khai thác trên thực tế.
Cụ thể, theo mục 3.2, phần 3 của hồ sơ, toàn bộ khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá hiện chưa được giải phóng mặt bằng. Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải tự thực hiện thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ thuê đất – một yêu cầu mà các chuyên gia cho rằng không chỉ bất cập mà còn trái luật.
Đại diện Công ty TNHH Số 1 Trường Thành – một trong những đơn vị từng cân nhắc tham gia – cho rằng, điều kiện này là “bất khả thi” trong thực tế. "Nếu để doanh nghiệp trực tiếp đi thương lượng đền bù thì khả năng bị ép giá, bị kéo dài tiến độ, thậm chí không thể triển khai là rất rõ ràng. Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi chính vì những bất cập như vậy. Nhà nước có trách nhiệm thu hồi và bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp", lãnh đạo Công ty Trường Thành nhấn mạnh.
Doanh nghiệp này cũng đã gửi văn bản đề nghị Công ty Vạn Thành An làm rõ: Nếu doanh nghiệp trúng đấu giá không thể giải phóng mặt bằng thì có bị hủy kết quả đấu giá không? Có được hoàn tiền đặt cọc? Và ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?
Tuy nhiên, câu trả lời từ Công ty Vạn Thành An không làm rõ được bản chất vấn đề, né tránh nội dung trọng tâm. Đáng chú ý, khi được liên hệ, đại diện công ty này thừa nhận hồ sơ mời đấu giá không do họ xây dựng, mà là do UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) cung cấp.
Căn cứ theo quy định tại khoản 25, Điều 79 Luật Đất đai năm 2024, "Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa". Do đó, Nhà nước có trách nhiệm thu hồi đất để giao cho tổ chức, cá nhân trúng đấu giá khai thác khoáng sản – bao gồm cả diện tích dành cho công trình phụ trợ và hành lang an toàn. Quy định hiện hành đã xác lập vai trò chủ thể duy nhất trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là Nhà nước, không còn để doanh nghiệp tự xoay sở như trước. |
Việc hồ sơ mời đấu giá tại Quảng Trị vẫn áp dụng cơ chế cũ không chỉ đặt doanh nghiệp vào thế rủi ro, mà còn đối mặt với nguy cơ tái diễn tình trạng “trúng đấu giá trên giấy – bỏ hoang mỏ ngoài thực địa”, gây lãng phí tài nguyên và thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn nhà đầu tư.