Việt Nam đang chứng kiến một bước chuyển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và tài chính xanh, với những tiềm năng và thách thức đầy hứa hẹn.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia. TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung: Phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng |
Để thực hiện hóa mục tiêu này, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng, chính quyền Thành phố xác định xây dựng 3 trụ cột lớn. Đầu tiên là xây dựng khung pháp lý. Hiện Thành phố đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.
Song song đó, Thành phố xây dựng bộ tiêu chí đo lường được. Theo đó, trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh. Ngoài ra, Thành phố sẽ xây dựng những mô hình mẫu, một địa phương xanh tại huyện Cần Giờ, xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh.
"Tôi cho rằng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân TP. Hồ Chí Minh một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Dũng nói.
Theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn thì TP. Hồ Chí Minh đang định hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng công nghệ 4.0 và đổi mới sáng tạo. Thành phố tập trung vào việc phát triển các dự án như công trình xanh, cải tạo đô thị, tái chế nguyên vật liệu xây dựng, phát triển năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. |
Các số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự phát triển ấn tượng. Từ năm 2017 đến 2023, dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng bình quân trên 22%/năm. Tính đến tháng 3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng với dư nợ gần 637.000 tỉ đồng, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo và sạch. “Tài chính xanh không còn giới hạn ở các doanh nghiệp môi trường mà đã mở rộng sang nhiều ngành nghề, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.” - bà Nguyễn Thị Việt Hà, quyền Chủ tịch HOSE, nhấn mạnh vai trò của tài chính xanh trong việc thu hút vốn đầu tư.
Một báo cáo của IFC ước tính các cơ hội đầu tư về khí hậu của Việt Nam có thể lên tới 757 tỉ USD vào năm 2030, tập trung vào năng lượng, giao thông và xây dựng xanh. Tuy nhiên để phát triển bền vững, TS. Bùi Duy Tùng từ Đại học RMIT Việt Nam cho rằng cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng và tiêu chí phân loại xanh đồng bộ. Ông đề xuất thành lập Hội đồng Tài chính xanh quốc gia để điều phối và giám sát các chương trình, tạo nền tảng đối thoại giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức tài chính. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng huy động vốn quốc tế để tài trợ cho các dự án xanh quy mô lớn.
Chính phủ cần tập trung xây dựng các dự án mẫu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời sử dụng công nghệ như blockchain để theo dõi và minh bạch hóa dòng vốn.