Để thực hiện thành công việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp |
LTS: Việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp là một chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong bối cảnh các hộ kinh doanh đang gặp phải nhiều rào cản về thủ tục pháp lý và quản lý, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Khiết, Tổng Giám đốc Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO, Chủ tịch Viện Quản lý đúng NBO, để tìm hiểu những cơ hội và thách thức mà các hộ kinh doanh gặp phải khi thực hiện chuyển đổi này. Ông Khiết đã chia sẻ những lợi ích thiết thực và tầm quan trọng của việc chuyển đổi, cũng như các giải pháp hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức chuyên môn. |
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/03/2025 liên quan đến việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là chuyển đổi hộ kinh doanh?
Ông Nguyễn Thanh Khiết: Chỉ thị số 10 của Chính phủ là một bước đi đúng đắn và kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị này không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn mở ra cơ hội cho việc xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp hiện đại và minh bạch. Điều này là cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết, các hộ kinh doanh sẽ có cơ hội nâng cao năng lực quản trị, mở rộng quy mô hoạt động và dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính và hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng. Điều này giúp các doanh nghiệp gia tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, từ đó tạo đà cho sự phát triển ổn định và bền vững hơn trong dài hạn.
PV: Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp các hộ kinh doanh vượt qua nỗi lo ngại về thủ tục pháp lý khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, và làm thế nào để giảm bớt áp lực về thời gian và chi phí cho họ?
Ông Nguyễn Thanh Khiết: Nhiều hộ kinh doanh hiện nay bày tỏ sự e ngại khi phải chuyển đổi thành doanh nghiệp do lo ngại về các thủ tục pháp lý phức tạp và tốn kém. Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp yêu cầu phải tuân thủ nhiều quy định, từ việc thay đổi tên doanh nghiệp, xin cấp phép hoạt động, cho đến việc đăng ký mã số thuế và các thủ tục khác liên quan đến quản lý tài chính.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Khiết, Tổng Giám đốc Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO, Chủ tịch Viện Quản lý đúng NBO. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bên cạnh đó, một mối lo ngại lớn khác của các hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp là mất đi sự linh hoạt vốn có trong hoạt động. Trong mô hình hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp có thể tự quyết định mọi vấn đề, từ việc mua sắm, quản lý nhân sự đến các chiến lược kinh doanh, với ít sự can thiệp từ bên ngoài.
Một trong những lợi ích lớn nhất khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính là việc nâng cao uy tín. Doanh nghiệp có pháp nhân rõ ràng, tức là có tên tuổi, mã số thuế và các giấy phép cần thiết, sẽ tạo dựng được niềm tin lớn hơn từ phía đối tác, khách hàng và các cơ quan quản lý.
Một lợi thế quan trọng khác khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp là khả năng mở rộng kinh doanh. Doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn lớn từ ngân hàng và các nhà đầu tư, điều mà các hộ kinh doanh khó có thể thực hiện được.
PV: Vậy xin ông chia sẻ thêm về những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước mà các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh, làm thế nào để quá trình chuyển đổi này trở nên thuận lợi hơn cho họ?
Ông Nguyễn Thanh Khiết: Chuyển đổi thành doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc quản lý tài chính và thuế. Khi là doanh nghiệp, bạn có thể dễ dàng hoạch toán chi phí một cách rõ ràng và minh bạch, giúp quá trình quản lý tài chính trở nên chuyên nghiệp và chính xác hơn. Việc kê khai thuế cũng trở nên đơn giản và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tránh các rủi ro liên quan đến việc vi phạm thuế.
Bên cạnh đó, một trong những ưu điểm nổi bật khi trở thành doanh nghiệp là việc có thể hưởng các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Chẳng hạn, theo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp mới thành lập có thể được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm đầu nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Đây là cơ hội quan trọng giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính trong giai đoạn khởi nghiệp và có thêm nguồn lực để phát triển.
Đặc biệt, Nhà nước cũng nên cung cấp hỗ trợ cụ thể về kế toán và thuế trong giai đoạn đầu để các doanh nghiệp nhỏ có thể dễ dàng thích nghi với hệ thống quản lý tài chính chuyên nghiệp. Các khóa đào tạo, tư vấn về thuế và kế toán sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về nghĩa vụ thuế, cách thức khai báo và quản lý chi phí, từ đó tránh được các sai sót không đáng có.
![]() |
Chuyển đổi hộ kinh doanh sẽ mở lối phát triển bền vững. |
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về những lợi ích cụ thể của việc lựa chọn mô hình công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên đối với các hộ kinh doanh, và làm thế nào để các chủ doanh nghiệp đảm bảo rằng điều lệ công ty được soạn thảo đúng cách, tránh các tranh chấp trong quá trình hoạt động?
Ông Nguyễn Thanh Khiết: Hầu hết các hộ kinh doanh nên lựa chọn mô hình công ty TNHH một thành viên hoặc hai thành viên trở lên. Đây là mô hình đơn giản và dễ quản lý, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa muốn duy trì sự linh hoạt trong quá trình điều hành.
Điều đặc biệt là mô hình này không yêu cầu vốn tối thiểu, giúp các hộ kinh doanh dễ dàng chuyển đổi mà không gặp phải rào cản về tài chính. Đồng thời, mô hình này vẫn giữ được cách quản trị đơn giản như trước đây.
Điều lệ doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu hoặc các thành viên, cùng với cơ chế quản lý, điều hành và phân chia lợi nhuận. Điều này giúp tạo ra sự minh bạch, đồng thuận giữa các bên và tránh các tranh chấp trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt đối với doanh nghiệp có nhiều người góp vốn, việc soạn thảo điều lệ cần được thực hiện một cách cẩn thận và chi tiết. Lúc này, sự tư vấn từ các chuyên gia về pháp lý và quản trị doanh nghiệp là rất cần thiết để đảm bảo tính hợp pháp, công bằng và hiệu quả trong việc vận hành công ty, từ đó giảm thiểu các sai sót có thể phát sinh.
Xin cảm ơn ông!