Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), khẳng định vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia. Theo Chỉ thị, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các DNNVV, đóng góp hơn 50% GDP, chiếm 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm 82% tổng số lao động. Tuy nhiên, các DNNVV vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ rào cản và tạo điều kiện để doanh nghiệp bứt phá.
Thủ tướng đặt mục tiêu phát triển DNNVV nhanh, bền vững, nâng cao cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2030 có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển DNNVV, tập trung vào khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển các mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt, Chính phủ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm giúp DNNVV nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ: Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Chỉ thị nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, yêu cầu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, thực chất. Chính phủ cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng hành động quyết liệt, rõ ràng trong trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả đạt được. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho DNNVV.
Theo đó, trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ và bãi bỏ 30% các điều kiện kinh doanh không cần thiết. Mô hình quản lý sẽ được chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả thực thi. Chính phủ điện tử và chính phủ số sẽ được đẩy mạnh nhằm giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Về mặt pháp lý, Chỉ thị yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi và trình Quốc hội các dự luật nhằm khắc phục những bất cập hiện nay. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo triển khai các quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV. Các địa phương cần tập trung phát triển các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ kết nối với các trung tâm mới như sân bay Long Thành hay trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, cần chủ động đề xuất giải pháp phát triển các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, chip điện tử để thúc đẩy sự tham gia của DNNVV trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Giải ngân vốn đầu tư công cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, với mục tiêu đạt trên 95% kế hoạch trong năm 2025, ưu tiên các dự án quan trọng, cấp bách và các công trình hạ tầng chiến lược kết nối vùng và quốc gia. Việc chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 cần được nâng cao chất lượng, đặc biệt là các dự án hạ tầng chiến lược như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị và cảng biển trung chuyển quốc tế. Chính phủ cũng khuyến khích đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn và tổng công ty nhà nước nhằm tạo động lực dẫn dắt và kích hoạt đầu tư từ DNNVV. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận tài chính và tín dụng thuận lợi hơn.
Bên cạnh các chính sách về tài chính và đầu tư, Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho DNNVV. Các bộ, ngành và địa phương sẽ triển khai các chương trình đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, đào tạo quản trị doanh nghiệp chuyên sâu theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến. Đồng thời, Chính phủ khuyến khích các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ, cũng như thúc đẩy các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa và công nghiệp giải trí.