![]() |
Chính quyền Mỹ đang cân nhắc áp dụng mức phí cập cảng lên tới 1,5 triệu USD đối với các tàu do Trung Quốc sản xuất, khi cập bến các cảng Mỹ. Đề xuất này hiện đang vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải biển và giới chuyên gia trong ngành.
Trong phiên điều trần kéo dài hai ngày do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tổ chức tuần này, nhiều ý kiến cho rằng mức phí mới sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho ngành logistics và đẩy chi phí thương mại tăng cao. Mục tiêu của chính sách là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu – lĩnh vực mà Bắc Kinh đã vươn lên dẫn đầu với hơn 50% thị phần toàn cầu vào năm 2023, so với chưa đến 5% vào năm 1999.
Theo đề xuất, các hãng vận tải sở hữu tàu do Trung Quốc sản xuất có thể phải trả từ 500.000 đến 1,5 triệu USD cho mỗi lần cập cảng, tùy thuộc vào tỷ lệ tàu Trung Quốc trong đội tàu. Các tàu đang được đặt đóng tại Trung Quốc và bàn giao trong vòng hai năm tới cũng nằm trong diện bị tính phí.
USTR cho biết biện pháp này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và khôi phục ngành đóng tàu nội địa – hiện chỉ sản xuất khoảng hơn 10 chiếc mỗi năm, so với khoảng 1.000 chiếc từ các nhà máy Trung Quốc.
Nhiều hiệp hội ngành nghề cảnh báo rằng đề xuất có thể gây tác động tiêu cực sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ. Hội đồng Vận tải Biển Thế giới (WSC) ước tính 98% đội tàu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, và gần như toàn bộ hoạt động thương mại qua đường biển của Mỹ – trị giá 1.500 tỷ USD mỗi năm – có thể chịu áp lực chi phí tăng cao.
Hãng Atlantic Container Line (ACL) cho biết nếu phí cập cảng mới được áp dụng, họ sẽ phải rút khỏi thị trường Mỹ do chi phí không thể kiểm soát. CEO Andrew Abbott cảnh báo điều này có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào bất ổn, với mức giá vận tải tăng cao tương tự như thời kỳ đại dịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng việc yêu cầu sử dụng tàu do Mỹ sản xuất là không thực tế, do nguồn cung khan hiếm và chi phí quá cao. Liên minh Vận tải Nông nghiệp Mỹ (AgTC) nhận định không có tàu Mỹ nào phù hợp để thay thế trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Hơn 300 hiệp hội và hàng trăm doanh nghiệp đã gửi thư phản đối đề xuất lên USTR. Theo họ, dù chính sách có thể hỗ trợ ngành đóng tàu nội địa, nhưng sẽ gây tổn hại đáng kể cho các lĩnh vực còn lại trong nền kinh tế – từ nông nghiệp, sản xuất, đến tiêu dùng. Nhiều ý kiến lo ngại rằng chi phí tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ và đẩy người tiêu dùng vào tình trạng giá cả leo thang, hàng hóa khan hiếm.