Báo cáo thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài Chính) cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2024, chiếm 13,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thị trường thế giới vẫn còn nhiều biến động.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng chủ lực không chỉ duy trì được sản lượng mà còn gia tăng mạnh về giá trị nhờ vào nhu cầu quốc tế và chính sách thương mại hợp lý. Cụ thể, trong 10 mặt hàng nông sản chủ lực có 5 mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về trị giá xuất khẩu. Theo đó, hạt tiêu đạt gần 27,3 nghìn tấn với trị giá 184,5 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng tăng 48,6% về trị giá nhờ giá bán cao hơn. Xuất khẩu cà phê đạt 309,5 nghìn tấn, trị giá gần 1,7 tỷ USD, giảm 22% về lượng nhưng tăng mạnh 37,2% về trị giá, phản ánh sự gia tăng của giá cà phê thế giới. Tương tự, cao su đạt 276 nghìn tấn với kim ngạch 524 triệu USD, giảm 7,4% về lượng nhưng tăng 22,8% về trị giá. Ngành thủy sản cũng đạt kết quả khả quan với kim ngạch xuất khẩu 1,43 tỷ USD, tăng 19%. Đặc biệt, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024.
![]() |
Trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 1,23 triệu tấn với trị giá 675 triệu USD, tăng 17,6% về lượng |
Một trong những điểm sáng của ngành nông sản Việt Nam là xuất khẩu gạo. Trong hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 1,23 triệu tấn với trị giá 675 triệu USD, tăng 17,6% về lượng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhu cầu nhập khẩu ổn định của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và châu Phi. Đồng thời, gạo Việt Nam ngày càng khẳng định lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả nhờ vào chiến lược sản xuất bền vững và chính sách thương mại linh hoạt.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai nhiều biện pháp xúc tiến thương mại. Trong năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức hàng loạt hội nghị quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm hội nghị về thị trường gạo xuất khẩu (tháng 2), cà phê và gia vị (tháng 4), nông sản mùa vụ (tháng 5). Bên cạnh đó, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã triển khai 31 đề án hỗ trợ phát triển thị trường với tổng ngân sách hơn 28,64 tỷ đồng, chiếm gần 20,8% tổng kinh phí của chương trình.
Được biết, trong năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục phê duyệt 36 đề án phát triển thị trường nông sản theo Quyết định số 4057/QĐ-BCT. Ngay sau đó, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, tham gia các hội chợ lớn như Fruit Logistica Berlin, Biofach, Foodex,… Những sự kiện này đã thu hút gần 120 doanh nghiệp Việt Nam tham gia góp phần ký kết nhiều hợp đồng thương mại với tổng giá trị gần 8,3 triệu USD.
Mặc dù xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả tích cực, doanh nghiệp vẫn đối mặt với không ít thách thức, rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng, trong khi chi phí logistics và nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Tuy nhiên, với lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nâng cao công tác dự báo thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để quy hoạch lại vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các giống cây có năng suất và giá trị cao hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại như Vietnam Foodexpo, Anuga, SIAL, Gulfood… sẽ tiếp tục được triển khai nhằm giúp doanh nghiệp kết nối với đối tác quốc tế và mở rộng xuất khẩu.
Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách thương mại và tiềm năng thị trường lớn, ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2025 góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và khẳng định vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.