Giá gạo xuất khẩu đã giảm 35% sau 1 năm
Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 6/2025, Việt Nam xuất khẩu 519.784 tấn gạo, trị giá 273,77 triệu USD, giảm 33% cả về lượng và kim ngạch so với tháng trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 4,72 triệu tấn, tương đương 2,44 tỷ USD. Tuy sản lượng nhỉnh hơn cùng kỳ năm trước, nhưng kim ngạch lại sụt giảm đáng kể do giá gạo xuất khẩu bình quân chỉ đạt 517 USD/tấn, giảm 18,3% (khoảng 116 USD/tấn).
Dù vậy, kết quả này vẫn giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan (xuất khẩu 3,65 triệu tấn) để vươn lên vị trí thứ 02 thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Ấn Độ.
Ba thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam gồm: Philippines, Indonesia và Malaysia đang có diễn biến trái chiều.
Philippines tiếp tục là điểm sáng khi nhập khẩu 2,1 triệu tấn gạo trong nửa đầu năm, tăng 8,7% và chiếm 44,6% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam. Gạo Việt Nam hiện chiếm trên 75% thị phần nhập khẩu tại Philippines, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh.
Ngược lại, Indonesia và Malaysia đều giảm mạnh nhập khẩu. Cụ thể, Indonesia chỉ nhập 10.691 tấn, giảm 97,3% so với cùng kỳ; Malaysia nhập 226.411 tấn, giảm 51%. Nguyên nhân chính là do hai quốc gia này tăng cường sản xuất trong nước, tồn kho tăng cao nên giảm nhu cầu nhập khẩu. Theo USDA, Indonesia hiện có tồn kho đầu kỳ cao, sản lượng nội địa cải thiện và đang từng bước giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Malaysia cũng chịu tác động tương tự.
Giá gạo giảm là yếu tố lớn kéo theo kim ngạch xuất khẩu đi xuống. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 18/7/2025, giá gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ còn 374 USD/tấn, giảm 23 USD/tấn so với tháng trước và thấp hơn đáng kể so với giá của Việt Nam, Ấn Độ hay Pakistan.
Trên toàn châu Á, giá gạo hiện đã giảm 30–35% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức thấp nhất trong gần 8 năm. Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đang giữ lượng dự trữ lên tới 38 triệu tấn, gần gấp 3 lần mức an toàn. Nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng nước này tiếp tục tăng, tạo sức ép lớn cho các đối thủ, trong đó có Việt Nam (theo Nikkei Asia). |
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. Cần Thơ chia sẻ, hiện giá gạo xuất khẩu tuy thấp hơn 02 năm trước nhưng vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, thị trường trong nước lại chững lại do chưa rõ cách thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) mới, dẫn đến có khoảng 15–20% thương lái và doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động để theo dõi chính sách, trong khi 20–30% chỉ hoạt động cầm chừng, chỉ có 50% là hoạt động bình thường.
Doanh nghiệp cần gỡ vướng VAT 5%
Theo quy định mới, kể cả doanh nghiệp chỉ mua đi - bán lại các loại nông sản thô như: Lúa, bắp, hạt điều, cà phê, tiêu... đều phải kê khai, tính và nộp thuế VAT 5%, không phân biệt là bán buôn cho thương nhân hay bán lẻ cho người tiêu dùng cuối cùng. Sự thay đổi này khiến nhiều doanh nghiệp nông sản thương mại cảm thấy bất ngờ, thậm chí lo lắng. Đặc biệt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi phần lớn nông dân bán lúa không quen với thủ tục hành chính.
Về phía thương lái cũng không hơn gì và họ không dám mua lúa vì chưa nắm rõ quy trình khai báo đầu vào, sợ bị phạt nếu kê khai sai. Nhà máy xay xát cũng e ngại mua vào vì chưa rõ thủ tục hoàn thuế. Đại diện một nhà máy cho biết, để được hoàn thuế, họ phải chứng minh người bán đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, trong khi cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ngoài ra, việc người dân phải kê khai thông tin cá nhân như số căn cước, số điện thoại, diện tích canh tác... cũng làm dấy lên lo ngại về an toàn thông tin, trong bối cảnh các vụ lừa đảo qua mạng đang gia tăng.
Việc phải tạm ứng trước 5% VAT cũng tạo thêm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, nhất là khi phải vay vốn lưu động từ ngân hàng. Mỗi đơn hàng chỉ vài phần trăm VAT có vẻ nhỏ, nhưng khi nhân lên với khối lượng hàng trăm nghìn tấn thì chi phí lãi vay và chiếm dụng vốn là rất lớn.
Ở góc nhìn của mình, ông Nguyễn Quốc Hưng – Trợ lý Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vilaconic - cho biết, việc phải tạm ứng 5% VAT cho mỗi lô hàng khiến chi phí tài chính tăng lên đáng kể.
Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Nay, họ phải vay thêm để đóng VAT, làm tăng chi phí tài chính và kéo dài thời gian chiếm dụng vốn. Với khối lượng xuất khẩu lớn, khoản VAT tạm ứng có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, trong khi thời gian hoàn thuế thường kéo dài vài tháng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức ủy thác càng gặp khó. Ông Hưng lý giải: “Bên nhận ủy thác không chịu đóng thuế VAT, trong khi người ủy thác cũng không đứng tên xuất khẩu, dẫn đến ách tắc trong vận hành”.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể, nhất quán và khả thi trong việc thực hiện hoàn thuế VAT đối với lúa gạo nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động, mà còn duy trì sự ổn định cho cả chuỗi cung ứng từ nông dân đến nhà xuất khẩu. |
Nếu không kịp thời tháo gỡ, chính sách thuế sẽ làm tắc nghẽn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người nông dân, nhất là trong vụ thu hoạch Hè Thu đang vào cao điểm. Trong khi ngành gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế, thì những rào cản trong nước sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, dù họ đã tuân thủ đầy đủ quy trình và nộp đủ VAT, nhưng vẫn không chắc có được hoàn thuế đúng hạn. Tình trạng hoàn chậm không chỉ ảnh hưởng đến thanh khoản, mà còn tiềm ẩn rủi ro bị phạt nếu thiếu chứng từ hoặc sai quy định.
Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, quy trình hoàn thuế rõ ràng và rút ngắn thời gian xử lý là yêu cầu cấp thiết, để đảm bảo tính cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu và duy trì thu nhập ổn định cho nông dân trong nước.