Tìm lời giải cho 'bài toán' pháp lý đang trói chân doanh nghiệp Doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng chuẩn để chinh phục thị trường Hoa Kỳ |
Tạp chí Kinh tế - Tài chính vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế – Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt”. Sự kiện quy tụ đại diện Bộ Tài chính, các chuyên gia tài chính hàng đầu và doanh nghiệp nhằm làm rõ cơ hội, thách thức và giải pháp trong quá trình chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, IFRS tại Việt Nam trở thành yêu cầu tất yếu. Hơn 160 quốc gia đã áp dụng IFRS như một “ngôn ngữ chung” trong lĩnh vực tài chính.
![]() |
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế – Giải pháp và lộ trình cho doanh nghiệp Việt”. |
Ông Trịnh Đức Vinh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán, Kiểm toán – khẳng định: “Lộ trình áp dụng IFRS không còn là lựa chọn, mà là xu hướng toàn cầu. IFRS không phải là rào cản mà là cơ hội giúp doanh nghiệp chuẩn hóa thông tin, tăng minh bạch và nâng cao khả năng tiếp cận vốn”.
Bộ Tài chính đã phê duyệt lộ trình áp dụng IFRS từ năm 2020 theo Quyết định 345/2020/QĐ-BTC. Năm 2024, Luật Kế toán sửa đổi (Luật số 56/2024/QH15) tiếp tục khẳng định định hướng hội nhập bằng việc yêu cầu xây dựng chuẩn mực kế toán Việt Nam trên cơ sở IFRS.
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng IFRS, theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi và cho phép doanh nghiệp tự nguyện triển khai. Đây là bước tiến quan trọng để IFRS trở thành hiện thực tại Việt Nam trong năm IFRS 2025 sắp tới.
Tại tọa đàm, ông Trần Hồng Kiên – Phó Tổng Giám đốc PwC Việt Nam IFRS – cho rằng: “IFRS là hệ thống chuẩn mực dựa trên nguyên tắc, yêu cầu doanh nghiệp phản ánh đúng bản chất kinh tế của giao dịch. Triển khai IFRS thành công bắt đầu từ cam kết thực chất của ban lãnh đạo, không chỉ từ phòng kế toán.”
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thủy – Giám đốc đào tạo Công ty Auditcare & Partners – nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất không nằm ở chi phí hay công nghệ mà là tư duy lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không nhìn IFRS như một chiến lược, thì sẽ không có hành động cụ thể.”
Trong kỷ nguyên số, hội nhập tài chính toàn cầu không thể tách rời công nghệ. Các giải pháp như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa quy trình (RPA) hay hệ thống ERP đang trở thành “trợ thủ” giúp doanh nghiệp lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế một cách chính xác và nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng: công nghệ chỉ hiệu quả khi kết hợp với hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa và đội ngũ nhân sự có năng lực hiểu rõ IFRS.
Việc áp dụng IFRS không chỉ giúp cải thiện chất lượng báo cáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Đây là bước đệm đưa Việt Nam tiến gần hơn đến danh hiệu “nền kinh tế thị trường đầy đủ” – điều kiện tiên quyết để thu hút dòng vốn ngoại dài hạn và chất lượng cao.
Tọa đàm cũng mở ra không gian đối thoại mở với cộng đồng doanh nghiệp. Các câu hỏi xoay quanh: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa có cần áp dụng IFRS không?”, “Chi phí bao nhiêu?”, “IFRS là gì?”, “Vai trò của đào tạo?”…
Các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nên bắt đầu bằng việc tự đánh giá khoảng cách giữa VAS và IFRS, lựa chọn nhóm chuẩn mực áp dụng phù hợp, đầu tư vào đào tạo IFRS, công nghệ và hệ thống quản trị. Quan trọng nhất là xác định rõ đây là chiến lược phát triển, chứ không chỉ là yêu cầu tuân thủ.
IFRS không chỉ là chuẩn mực kế toán, mà là chiến lược hội nhập toàn diện. Với hành lang pháp lý đang hoàn thiện, công nghệ phát triển nhanh và các chương trình đào tạo IFRS được triển khai, đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và vươn ra toàn cầu.