Bài liên quan |
Thỏa thuận về thuế đối ứng: Bước tiến tích cực cho Việt Nam – Hoa Kỳ |
Trao trả hồ sơ chiến tranh – Hành trình nhân đạo hàn gắn quá khứ Việt Nam – Hoa Kỳ |
Trong bối cảnh thuế quan và các rào cản kỹ thuật ngày càng siết chặt đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy tiếp cận, đầu tư bài bản hơn vào chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và chiến lược xúc tiến để tận dụng cơ hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách bền vững.
Đây là những nội dung cốt lõi được các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến “Xúc tiến thương mại sang thị trường Hoa Kỳ” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/7 tại Hà Nội.
Hoa Kỳ: Cơ hội lớn nhưng không dễ dàng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không chỉ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua, mà còn là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với hệ thống rào cản kỹ thuật, quy định thuế quan và tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt”.
Do đó, doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường này cần đồng thời chú trọng nhiều yếu tố: Từ xu hướng tiêu dùng, quy định kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, thuế nhập khẩu, logistics, đến việc tận dụng kênh thương mại điện tử xuyên biên giới – một kênh đang phát triển mạnh và nhiều tiềm năng.
![]() |
Doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng chuẩn để chinh phục thị trường Hoa Kỳ |
Chất lượng, giá cả, xuất xứ: Ba yếu tố sống còn
Từ góc độ thực tiễn, ông Đỗ Ngọc Hưng – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ – nhận định: Hàng hóa Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng nhờ giá cả cạnh tranh, mẫu mã phong phú và chất lượng không ngừng cải thiện. Đây chính là lợi thế để doanh nghiệp Việt cạnh tranh một cách sòng phẳng với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Mexico, Thái Lan hay Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cảnh báo, để duy trì lợi thế đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc xây dựng và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư cho công tác marketing tại chỗ. Riêng với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), việc liên kết với các hiệp hội ngành hàng, tận dụng sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước là giải pháp thiết thực nhằm từng bước nâng tầm tiếp cận.
Đặc biệt, ông Hưng khuyến cáo các doanh nghiệp cần phối hợp đầy đủ và chặt chẽ trong quá trình điều tra phòng vệ thương mại, tránh việc bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế trừng phạt do thiếu hồ sơ minh bạch. Tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn lao động (bao gồm cả Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Hoa Kỳ) là yêu cầu bắt buộc để hàng hóa không bị từ chối nhập khẩu.
Chú trọng quy tắc xuất xứ để tận dụng ưu đãi
Dưới góc nhìn chính sách, ông Hoàng Đức Minh – Đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) – cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã có cơ sở pháp lý đầy đủ để xác lập nguồn gốc xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ, đặc biệt là Thông tư 05/2018 và Thông tư 44/2023.
Theo đó, để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (CO) mẫu B, hàng hóa phải đáp ứng 2 điều kiện cơ bản: (1) tuân thủ tiêu chí xuất xứ quy định tại Phụ lục 1 – Thông tư 44/2023, và (2) vượt qua các công đoạn gia công đơn giản, đảm bảo có sự chuyển đổi đáng kể từ nguyên liệu đầu vào thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Ông Minh cũng lưu ý doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng trong việc xây dựng hồ sơ, thống kê dữ liệu và lưu giữ bằng chứng rõ ràng về xuất xứ để tránh rủi ro khi bị kiểm tra hậu kiểm hoặc điều tra phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ.
Trước những thay đổi thuế quan và rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe từ Hoa Kỳ, các chuyên gia tại hội thảo đưa ra một số khuyến nghị cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp Việt giữ vững và mở rộng thị phần:
Đẩy mạnh sản phẩm thiết yếu, tiêu dùng: Tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, nhu cầu ổn định như đồ gia dụng, may mặc, nông sản chế biến…
Khai thác thị trường ngách: Những nhóm hàng hóa hữu cơ, sản phẩm “xanh”, thân thiện môi trường đang được người tiêu dùng Mỹ ưu tiên lựa chọn, sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn.
Tham gia hội chợ chuyên ngành tại Hoa Kỳ: Đây là kênh xúc tiến hiệu quả giúp doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp khách hàng, tìm hiểu thị hiếu và thị trường mục tiêu.
Tận dụng FTA và số hóa quy trình: Tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua công nghệ đổi mới sáng tạo, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…
Chú trọng hồ sơ pháp lý và xác minh đối tác: Các cơ quan chức năng trong nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kiểm tra lý lịch đối tác Hoa Kỳ, phòng tránh các rủi ro trong giao dịch quốc tế.
Chinh phục thị trường Hoa Kỳ không chỉ là mục tiêu thương mại mà còn là phép thử năng lực hội nhập của doanh nghiệp Việt. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, việc nâng cao chất lượng, chuẩn hóa quy trình, đầu tư bài bản cho hoạt động xúc tiến và chuyển đổi số sẽ là những đòn bẩy giúp hàng hóa Việt Nam tiếp tục hiện diện vững vàng và có chiều sâu tại thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng khắt khe này.