Sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm vào tối thứ Tư (ngày 02/7/2025), Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng với Việt Nam và đây cũng là thỏa thuận đầu tiên của Hoa Kỳ với một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Trong bản tin: “Việt Nam – Hoa Kỳ đạt tiến bộ trong đàm phán thương mại” của VinaCapital, đơn vị này cho rằng mặc dù còn nhiều chi tiết chưa được công bố, thỏa thuận này được Chính phủ Việt Nam mô tả sẽ tạo ra “Khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng”. Mức thuế mà Hoa Kỳ dự kiến áp lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam kỳ vọng phù hợp với thị trường và là một cải thiện đáng kể so với mức thuế đối ứng 46% được ông Trump công bố vào ngày 02/4/2025.
Chỉ số VN-Index đã có phản ứng tích cực nhẹ vào giữa ngày thứ Năm (03/7/2025), dù nhóm cổ phiếu khu công nghiệp và xuất khẩu giảm nhẹ. Trong khi đó tại Hoa Kỳ, cổ phiếu của các công ty như Nike, Under Armour hay các nhà bán lẻ có liên quan trực tiếp đến việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đã tăng giá trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.
VinaCapital kỳ vọng rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ áp dụng mức thuế theo từng nhóm sản phẩm, trong đó các sản phẩm được sản xuất 100% tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể.
“Khi thỏa thuận chính thức được công bố, chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn tác động tiềm tàng của các mức thuế đó. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi cho rằng mức thuế đang áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ (kèm theo miễn trừ cho phần lớn hàng điện tử) sẽ tiếp tục được duy trì cho đến khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực”, đại diện VinaCapital cho biết.
Chưa tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn
Mặc dù tuyên bố lần này là bước đầu mang tính tích cực, VinaCapital không kỳ vọng nó sẽ tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế trong ngắn hạn, vì một số lý do.
Thứ nhất, xuất khẩu sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2025 sau khi đã tăng gần 30% trong nửa đầu năm – phần lớn do các nhà bán lẻ Mỹ tăng mạnh mua hàng trong thời gian 90 ngày tạm ngưng áp dụng thuế đối ứng, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây.
![]() |
Nguồn: Hải quan, VinaCapital. |
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao: tổng vốn FDI đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2025 đã vượt 15 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ và tương đương hơn 7% GDP.
Trong bối cảnh chưa có thỏa thuận cuối cùng, chỉ cần mức thuế áp lên hàng Việt Nam không cao hơn 10% so với các nước trong khu vực, thì các lợi thế về chất lượng lao động, chi phí, nhân khẩu học và vị trí địa lý vẫn tiếp tục giúp Việt Nam giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất toàn cầu và dòng vốn FDI trong nhiều năm tới. |
Đại diện VinaCapital cho rằng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố nội tại, như: tăng chi đầu tư công cho hạ tầng, sự phục hồi của thị trường bất động sản, cùng với các sáng kiến và cải cách hành chính quan trọng – được một số chuyên gia gọi là “Đổi Mới 2.0” – đã phân tích trong nhiều báo cáo gần đây và sắp tới.
Theo VinaCapital, tuyên bố ban đầu này là một bước tiến tích cực cho cả hai quốc gia. Mức thuế thấp hơn so với mức 46% từng được công bố hồi tháng 4/2025, qua đó giúp giảm bớt phần nào những bất định bao trùm thị trường thời gian qua.
“Chúng tôi đang chờ đợi công bố chính thức của thỏa thuận cuối cùng để có thể đánh giá toàn diện tác động kinh tế có thể xảy ra”, VinaCapital cho biết.
Trong thời gian này, các chính sách và hành động mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai và dự kiến sẽ thực hiện trong nửa cuối năm nay, cũng như những năm tới sẽ đóng vai trò then chốt hơn so với hoạt động xuất khẩu trong việc thúc đẩy tăng trưởng và đạt được các mục tiêu đề ra.