![]() |
Đề xuất hộ kinh doanh phải dùng tài khoản ngân hàng riêng |
Trong quá trình góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), UBND TP Hà Nội đã kiến nghị một loạt nội dung mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với khu vực kinh tế phi chính thức, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ và cá nhân kinh doanh. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là đề xuất quy định bắt buộc hộ kinh doanh phải đăng ký tài khoản ngân hàng và sử dụng giao dịch điện tử phục vụ riêng cho hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá của Hà Nội, việc tách bạch dòng tiền cá nhân và dòng tiền kinh doanh là điều kiện tiên quyết để minh bạch hóa nguồn thu, từ đó tạo thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc theo dõi, xác định nghĩa vụ thuế. Đây cũng là giải pháp then chốt nhằm hạn chế thất thu và gian lận thuế, đồng thời phù hợp với xu hướng số hóa quản lý thuế trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Liên thông thủ tục, giảm gánh nặng hành chính
Bên cạnh yêu cầu về tài khoản ngân hàng riêng, Hà Nội cũng đề xuất cần thiết phải liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế đối với hộ kinh doanh nhằm cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ và tạo điều kiện cho người nộp thuế tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống quản lý.
Đối với quy định bắt buộc hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi vượt ngưỡng doanh thu, Hà Nội cho rằng cần xác lập nguyên tắc chung trong luật, còn quy định chi tiết nên để Chính phủ quyết định linh hoạt theo thực tế. Thành phố cũng lưu ý rằng việc áp dụng cứng nhắc có thể chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động kinh doanh của các hộ, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều chuyển biến và mô hình kinh doanh đa dạng.
Trước lộ trình dự kiến xóa bỏ hình thức thuế khoán từ ngày 1/1/2026, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính bổ sung các quy định cụ thể về tần suất kê khai, mẫu biểu đơn giản nhằm tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh trong việc chuyển đổi sang hình thức kê khai thuế thông thường.
Đồng thuận với chủ trương cải cách, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng cho rằng việc xóa bỏ thuế khoán là cần thiết để bảo đảm công bằng và minh bạch trong thu thuế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi có thể gây áp lực lớn cho hệ thống quản lý nhà nước khi có hàng triệu hộ kinh doanh cùng chuyển đổi trong giai đoạn 2025–2026.
Đáng chú ý, chi phí tuân thủ theo quy định mới dự kiến dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi năm – một con số không nhỏ với nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các chính sách hỗ trợ đi kèm. Dự thảo hiện tại vẫn chưa làm rõ các cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hay đào tạo để hộ kinh doanh thích ứng hiệu quả.
Kiến nghị lộ trình 3 giai đoạn chuyển đổi
Để quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và không gây sốc đối với người kinh doanh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất chia lộ trình thành ba giai đoạn:
Giai đoạn 1 (năm 1–2): Triển khai thí điểm tại một số địa phương, cung cấp miễn phí phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử, kết hợp đào tạo kỹ năng ghi chép sổ sách.
Giai đoạn 2 (năm 2–4): Mở rộng phạm vi áp dụng bắt buộc đối với các hộ có doanh thu cao, đi kèm chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ thuê kế toán.
Giai đoạn 3 (năm 4–5): Chính thức xóa bỏ thuế khoán, tích hợp hộ kinh doanh vào hệ thống quản lý thuế quốc gia, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ toàn diện về tài chính, đào tạo, bảo hiểm xã hội cho nhóm chuyển đổi.
Cần tính đến đặc thù vùng, miền và khả năng tiếp cận công nghệ
Cũng tham gia góp ý dự thảo luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan chủ trì cần nghiên cứu kỹ lưỡng lộ trình áp dụng phù hợp, tránh gây xáo trộn hoặc quá tải cho người kinh doanh, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi kinh tế còn mang tính tự cấp, tự túc và người dân có hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin.
Bộ cũng kiến nghị cần có cơ chế loại trừ phù hợp với thực tiễn tại một số địa phương, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai chính sách và tránh tạo rào cản cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ và điều chỉnh dự thảo Luật Quản lý thuế theo hướng xây dựng mô hình quản lý thuế phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh, vừa bảo đảm tính minh bạch, vừa khả thi trong thực tế triển khai.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thiết kế lộ trình chuyển đổi hợp lý không chỉ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động minh bạch, chính quy hơn – nền tảng quan trọng cho quá trình hiện đại hóa và số hóa nền tài chính quốc gia.