Ngành dệt may, da giày có nhiều tín hiệu tăng trưởng khởi sắc |
Chủ động nguyên phụ liệu là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành dệt may, da giày trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Nhưng dù đã có chiến lược phát triển rõ ràng, thực tế cho thấy công nghiệp phụ trợ vẫn là “nút thắt cổ chai” cần sớm khai thông.
Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035. Một trong những mục tiêu trọng tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa để ngành thời trang trở thành ngành kinh tế chủ lực, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
Thế nhưng, theo ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Một trong những nội dung quan trọng trong quyết định 1643 của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2022, đó chính là việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như là các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên việc triển khai hiện nay là tương đối chậm”.
![]() |
Dệt may, da giày Việt Nam: Bài toán nội địa hóa 70% nguyên liệu |
Một minh chứng cụ thể là đề án xây dựng "Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam" tại cửa ngõ phía Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh, quy mô 40 ha, trong đó hơn 10 ha dành cho sản xuất nguyên phụ liệu kỳ vọng sẽ cung cấp trên 70% nguyên liệu cho thị trường trong nước. Nhưng cho đến nay, trung tâm này vẫn dừng ở giai đoạn quy hoạch.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hai ngành dệt may và da giày đạt trên 70 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trên mỗi đơn hàng xuất khẩu chỉ chiếm dưới 10%, phần lớn lợi nhuận rơi vào các nhà cung cấp nguyên liệu và đơn vị trung gian.
Một nguyên nhân quan trọng là sự phụ thuộc tới 60% nguyên phụ liệu nhập khẩu, khiến doanh nghiệp khó tận dụng các ưu đãi thuế quan trong 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia, khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho rằng: “Hãy mạnh dạn có một cơ chế đột phá để hai ngành dệt may và da giày có được một trung tâm phát triển và trưng bày về nguyên phụ liệu, cũng như các trung tâm về nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, đúng như chiến lược phát triển của ngành đề ra là đạt tỷ lệ nội địa hoá 70% là tốt nhất trong 5 năm tới”.
Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Việt Hòa – Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ: “Trong thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ tham mưu cho Bộ Công Thương để hoàn thiện chính sách, trong đó sẽ xây dựng các trung tâm để chúng ta có thể phát huy nội lực cũng như tự chủ về nguồn nguyên liệu trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may và da giày”.
Tự chủ chuỗi cung ứng không chỉ giúp tăng giá trị gia tăng mà còn đảm bảo khả năng chống chịu với biến động địa chính trị, gián đoạn logistics toàn cầu và rủi ro thương mại. Đây là “chìa khóa” để các doanh nghiệp trong ngành tận dụng triệt để lợi thế hội nhập, đón đầu xu hướng sản xuất xanh – sạch – bền vững.
Ngành dệt may và da giày đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình. Nhưng nếu không có bước đi quyết liệt và đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư đến cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, mục tiêu nội địa hóa 70% sẽ khó cán đích và 100 tỷ USD xuất khẩu chỉ là con số trong tầm với mà không thể với tới.