![]() |
Ngành công nghiệp thú cưng tại châu Á đang bước vào giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, với quy mô thị trường dự kiến chạm mốc gần 35 tỷ USD vào năm 2029, theo báo cáo mới nhất từ Euromonitor International. Sự phát triển này phản ánh những thay đổi căn bản trong lối sống, giá trị tinh thần và hành vi tiêu dùng của người dân, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Từ thực phẩm, dịch vụ y tế, công nghệ đến du lịch dành cho thú cưng, một hệ sinh thái tiêu dùng mới đang dần hình thành – nơi chó, mèo không còn đơn thuần là vật nuôi, mà trở thành “thành viên gia đình”, thậm chí là bạn đồng hành tinh thần của con người hiện đại.
Việt Nam: Tăng trưởng nhanh trong một thị trường còn non trẻ
![]() |
Tại Việt Nam, thị trường thú cưng tuy còn ở giai đoạn sơ khai so với các quốc gia trong khu vực, nhưng đang ghi nhận những bước tiến rõ rệt trong cả quy mô và chiều sâu tiêu dùng. Một tín hiệu đáng chú ý là sự trỗi dậy của mèo nuôi, vượt qua chó nuôi về tốc độ tăng trưởng. Trong giai đoạn 2016–2020, số người nuôi mèo tăng từ 2,9 triệu lên 3,4 triệu, tương ứng CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) 3,7%, cao hơn so với mức 2,8% ở nhóm nuôi chó.
Cùng thời gian này, tỷ lệ hộ gia đình nuôi mèo cũng tăng từ 11,3% lên 12,4%, trong khi tỷ lệ nuôi chó đạt 17,2%, tăng nhẹ từ mức 16,2%. Những con số này phản ánh sự chuyển đổi trong thị hiếu nuôi thú cưng, đặc biệt ở môi trường đô thị – nơi mèo trở nên phù hợp hơn với nhịp sống bận rộn và không gian sống hạn chế.
Chị Hà Linh, 35 tuổi, sống tại Hà Nội và là chủ của ba chú mèo, chia sẻ: “Nuôi thú cưng không chỉ là sở thích mà còn là cách cân bằng tinh thần. Khi đi làm về, có một ‘thành viên’ chờ mình ở nhà khiến cuộc sống bớt cô đơn.” Trung bình mỗi tháng, chị chi từ 2,5 đến 3 triệu đồng để chăm sóc mèo – từ thức ăn, chăm sóc sức khỏe đến các vật dụng phụ trợ.
Từ thức ăn thừa đến thức ăn chuyên biệt
Một trong những thay đổi quan trọng của thị trường Việt Nam là chuyển dịch từ thức ăn thừa sang thực phẩm chuyên dụng cho thú cưng. Theo Euromonitor, chỉ còn 20% người tiêu dùng tại châu Á – Thái Bình Dương sử dụng thức ăn thừa cho thú cưng vào năm 2024, giảm từ 25% năm 2021. Xu hướng này không chỉ phản ánh sự nhân hóa thú cưng mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất thức ăn vật nuôi.
Thức ăn cho thú cưng: Phân khúc bùng nổ
Thị trường thức ăn cho thú cưng tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ từ 29,6 triệu USD (2016) lên 54,5 triệu USD (2020) và dự kiến đạt 94,2 triệu USD vào năm 2025. Mỗi phân khúc – từ thức ăn cho chó, mèo đến thực phẩm cao cấp – đều ghi nhận mức tăng trưởng kép hàng năm ấn tượng.
Thức ăn cho chó: Doanh thu tăng từ 17,5 triệu USD lên 31,4 triệu USD trong giai đoạn 2016–2020 (CAGR 15,7%). Trong đó, thức ăn khô chiếm 93,9% doanh số, với phân khúc giá trung bình dẫn đầu tăng trưởng.
Thức ăn cho mèo: Tăng trưởng CAGR 19,2% từ năm 2016–2020 và dự kiến đạt 18,9% trong giai đoạn 2021–2025. Phân khúc thức ăn khô chiếm đến 93,7% doanh số và thức ăn khô tầm trung ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất (CAGR 20,5%).
Cửa hàng thú cưng và thương mại điện tử chiếm lĩnh phân phối
![]() |
Theo báo cáo năm 2020, cửa hàng thú cưng chuyên dụng chiếm đến 72,8% kênh phân phối thức ăn cho vật nuôi, trong khi các nhà bán lẻ tạp hóa chiếm 16,3%. Thương mại điện tử cũng tăng trưởng nhanh với CAGR 7,7%, với các nền tảng như Shopee, Lazada và Tiki ngày càng phổ biến. Một khảo sát của INTAGE Vietnam cho thấy 54% người tiêu dùng mua từ cửa hàng nhỏ/lẻ, 47% từ hệ thống lớn và 38% thông qua kênh online.
Tuy nhiên, các cửa hàng chuyên biệt vẫn đối mặt với nhiều rào cản như chi phí thuê mặt bằng cao, phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, và khó khăn trong huy động vốn. Dù vậy, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ hiện đại do các doanh nhân trẻ điều hành đang thổi làn gió mới cho thị trường này.
Châu Á – Thái Bình Dương: Thị trường tỷ đô và cuộc đua toàn cầu
![]() |
Trên bình diện khu vực, ngành công nghiệp thú cưng tại châu Á – Thái Bình Dương được dự báo đạt 34,8 tỷ USD vào năm 2029, với CAGR 4% – vượt Bắc Mỹ (2,5%) và gần gấp đôi Tây Âu (2,1%). Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và nhu cầu nâng cao chất lượng sống đã góp phần đưa thú cưng trở thành một phần không thể thiếu trong các hộ gia đình.
Theo bà Sahiba Puri, chuyên gia tại Euromonitor, sự phát triển của ngành này không chỉ tạo dư địa cho các tập đoàn lớn mà còn là mảnh đất màu mỡ cho các startup. “Sự đổi mới sản phẩm, tập trung vào thành phần có lợi cho sức khỏe và các mô hình phân phối đa kênh đang tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tìm được chỗ đứng”, bà cho biết.
Cuộc đua giữa các “ông lớn”
Tại khu vực, ba công ty dẫn đầu về doanh thu là Mars (Mỹ), Inaba Petfood và Unicharm (Nhật Bản). Trên toàn cầu, Nestlé, Mars và Colgate-Palmolive thống lĩnh thị trường. Tại Việt Nam, các thương hiệu châu Á như SmartHeart (Thái Lan) của Charoen Pokphand Group (CP) chiếm ưu thế nhờ mức giá phù hợp với thị trường nhạy cảm về chi phí.
Năm 2019, năm công ty dẫn đầu tại Việt Nam – gồm CP, Mars Inc, ADM, See-All Aquariums và Daejoo – chiếm đến 79,1% thị phần thức ăn cho thú cưng.
Dịch vụ cao cấp: Từ bảo hiểm đến mai táng thú cưng
Xu hướng "nhân hóa" thú cưng cũng thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ cao cấp: từ bảo hiểm y tế, spa, khách sạn thú cưng đến dịch vụ mai táng, hỏa táng với đầy đủ nghi lễ tâm linh. Chị Lê Bùi kể lại, khi mèo cưng qua đời, chị đã đưa bé đến một nghĩa trang chuyên biệt, chi phí có thể lên tới 30 triệu đồng, bao gồm cả lễ 49 ngày.
Ngành công nghiệp thú cưng tại Việt Nam và châu Á – Thái Bình Dương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, không còn là thị trường “ngách” mà trở thành mảng tiêu dùng chiến lược cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, hành vi tiêu dùng thay đổi, cùng dư địa thị trường còn rộng mở, đây chính là thời điểm vàng để các thương hiệu, nhà sản xuất, và startup bước vào “cuộc đua tỷ đô” của ngành thú cưng.