Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam tăng mạnh Cần "lực đẩy" để doanh nghiệp công nghệ Việt Nam bứt phá Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam năm 2025 |
![]() |
Doanh nghiệp Việt củng cố vị thế điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI |
Theo số liệu từ Cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn thực hiện của các dự án FDI cũng tăng 5,4%, đạt khoảng 2,95 tỷ USD. Những con số này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Thông tin tại Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28/3, nhiều hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ đánh giá tích cực về triển vọng đầu tư tại Việt Nam. Ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên toàn cầu có dấu hiệu chững lại, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút ấn tượng nhờ những lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt khi quốc gia này đang triển khai nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn như đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, nhà máy điện hạt nhân và điện khí. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực hỗ trợ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời thúc đẩy các ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao.
Lợi thế địa lý thuận lợi, hệ thống logistics và giao thông phát triển, cùng sự ổn định về chính trị và ngoại giao cũng góp phần giúp Việt Nam trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư quốc tế. Ông Yee Chung Seck, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại TP. Hồ Chí Minh nhận định, Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu và tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Việt Nam cũng chủ động trong việc cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thuế quan và cung cấp các ưu đãi thuế. Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã giúp nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tăng cường FDI vào Việt Nam.
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút FDI tại Việt Nam vẫn còn một số thách thức. Một số doanh nghiệp FDI phản ánh rằng thủ tục hành chính chưa thực sự thông suốt, chính sách thuế chưa đồng bộ và đôi khi khó dự đoán. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về lực lượng lao động trẻ nhưng vẫn cần cải thiện kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Nitin Kapoor, Phó Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhấn mạnh, thu hút đầu tư bền vững và chất lượng cao là chìa khóa cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam. Chính sách nhất quán, rõ ràng và có tính dự báo cao là yếu tố quan trọng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và hạ tầng.
Để thu hút dòng vốn chất lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng chuỗi cung ứng xanh. Chính phủ cũng khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các ngành công nghiệp tiên tiến và kinh tế xanh. Theo KOCHAM, Việt Nam nên tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính thông qua số hóa, nâng cấp hệ thống quản lý để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp FDI.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam đã chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược sắp tới là thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thúc đẩy hợp tác công tư trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, AI, bán dẫn và năng lượng tái tạo. Chính phủ cũng duy trì đối thoại chính sách với cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời xử lý khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, đổi mới mô hình sản xuất và chú trọng đến yếu tố môi trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đến chế độ chính sách cho người lao động, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp để đảm bảo sự phát triển lâu dài.