Việt Nam: Thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản 150 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam Ngành tôm Việt Nam: Cần chủ động nguồn giống, khơi thông thị trường |
![]() |
Hiện đại hóa chế biến, nâng cao giá trị ngành tôm Việt |
Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành nuôi trồng và chế biến tôm phát triển mạnh mẽ nhất thế giới với khoảng 750.000 ha diện tích nuôi tôm trên cả nước, sản lượng hàng năm đạt từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn. Không chỉ dẫn đầu về sản lượng, Việt Nam còn được đánh giá là quốc gia có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất với khả năng sản xuất nhiều sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu. Trong bối cảnh toàn cầu hướng tới phát triển bền vững, ngành tôm Việt Nam cũng đang có sự thay đổi mạnh mẽ, chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo thống kê của Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) trong tổng diện tích 750.000 ha nuôi tôm đã có hơn 200.000 ha áp dụng mô hình nuôi hữu cơ, sinh thái đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Các sản phẩm từ mô hình này đang có lợi thế lớn tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản và EU – những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu hệ thống công nghệ chế biến tôm hiện đại với nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dây chuyền sản xuất tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP. Tuy nhiên, để duy trì lợi thế cạnh tranh, ngành tôm Việt Nam vẫn cần phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là các chính sách thương mại khắt khe từ thị trường nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung, đại diện Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, các thị trường xuất khẩu chủ lực của tôm Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU. Những thị trường này ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, kiểm soát dư lượng kháng sinh, an toàn thực phẩm và tác động môi trường. Do đó, ngành tôm Việt Nam cần tập trung vào việc giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, phát triển mô hình nuôi trồng tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng cường kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học và ứng dụng công nghệ tái chế cũng như kinh tế tuần hoàn để tận dụng phụ phẩm, giảm lãng phí và phát thải khí nhà kính. Theo bà Dung, các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cộng đồng nuôi tôm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí đầu vào và bảo vệ môi trường bền vững.
Nhằm thúc đẩy ngành tôm phát triển theo hướng bền vững và công nghệ cao, Cục Thủy sản và Kiểm ngư đang hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để triển khai các dự án quan trọng. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như dự án cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững hợp tác với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), dự án bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững phối hợp với WWF (Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên) và dự án cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi tôm bền vững trước các tác động từ thiên nhiên. Những dự án này không chỉ giúp ngành tôm Việt Nam phát triển theo hướng bền vững mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với xu hướng cách mạng xanh, ngành tôm Việt Nam đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong mô hình sản xuất với việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số. Các tiến bộ bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT để giám sát môi trường nuôi trồng, tối ưu hóa quy trình sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo trong các trang trại nuôi tôm nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Tự động hóa trong chế biến và bảo quản tôm để nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, cũng như đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm cho các thị trường khó tính. Với những bước đi chiến lược này, Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế quốc gia có công nghệ chế biến tôm hiện đại nhất mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững giúp ngành tôm duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Ngành tôm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao và tăng trưởng xanh. Việc đầu tư vào công nghệ chế biến hiện đại, áp dụng mô hình nuôi trồng tiên tiến và thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành chế biến tôm toàn cầu. Với định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, ngành tôm Việt Nam không chỉ phát triển bền vững mà còn tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế thủy sản nước ta.