Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 9,3 tỷ USD hai tháng đầu năm 2025 Doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm đường cho cà phê Việt vươn ra thế giới |
![]() |
Xuất khẩu cà phê Việt Nam tiến sát 8 tỷ USD – Doanh nghiệp đón sóng bứt phá |
Theo số liệu từ Cục Hải quan Việt Nam, tính đến ngày 15/3/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 406.637 tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,28 tỷ USD. Dù sản lượng giảm 18% so với cùng kỳ năm 2024 nhưng nhờ giá tăng mạnh trị giá xuất khẩu vẫn tăng 41% đưa ngành cà phê Việt Nam bước vào giai đoạn đầy biến động nhưng cũng giàu tiềm năng.
Trong hai tháng đầu năm 2025, Đức tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 278 triệu USD (tăng 79%). Các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể,. Trong đó, Ý đạt 171 triệu USD (tăng 31%), Nhật Bản đạt 127 triệu USD (tăng 56%), Hoa Kỳ đạt 120 triệu USD (tăng 53%) và Tây Ban Nha đạt 117 triệu USD (tăng 29%).
Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 2,8 tỷ USD. Nếu duy trì được mức giá hiện tại trong các quý tiếp theo tổng giá trị xuất khẩu cả năm có thể cán mốc 8 tỷ USD - một kỷ lục chưa từng có. Nguyên nhân chính giúp kim ngạch xuất khẩu tăng vọt là do giá cà phê tăng phi mã. Nếu như quý I/2024, giá trung bình chỉ ở mức 3.228 USD/tấn thì đến quý I/2025 con số này đã vọt lên 5.614 USD/tấn (tăng tới 73%). So với mức giá bình quân khoảng 2.000 USD/tấn giai đoạn 2010-2023 đây là một bước nhảy vọt.
Trong nửa đầu tháng 3/2025, giá cà phê xuất khẩu bình quân đã đạt 5.798 USD/tấn, với đà tăng này, mốc 6.000 USD/tấn có thể chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sự bùng nổ giá cà phê chủ yếu đến từ tình trạng khô hạn kéo dài, làm giảm mạnh sản lượng tại các vùng trồng cà phê chủ chốt trên thế giới. Tại Brazil - quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất toàn cầu, sản lượng niên vụ 2025/26 dự kiến giảm 4,4% so với năm 2024, chỉ còn 51,81 triệu bao loại 60kg - mức thấp nhất trong ba năm qua.
Tại Việt Nam, giá cà phê nội địa cũng tăng mạnh, có thời điểm chạm mốc 130.000 đồng/kg vào đầu tháng 3/2025. Trước diễn biến này, nhiều nông dân Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã tạm ngừng bán ra, chờ giá tiếp tục tăng. Điều này khiến nguồn cung càng thắt chặt hơn, buộc các nhà thu mua phải đẩy giá lên để gom hàng.
Theo dự báo của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), nếu xu hướng này tiếp diễn, giá cà phê trong nước có thể đạt 140.000 - 150.000 đồng/kg, tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Trên thị trường thế giới, cà phê đang trở thành một trong những mặt hàng “nóng” nhất trên thị trường giao dịch hàng hóa toàn cầu thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam hưởng lợi là sự chênh lệch giá giữa hai loại cà phê chủ chốt Robusta và Arabica. Hiện tại, mức chênh lệch này đã lên tới khoảng 3.000 USD/tấn khiến nhiều nhà rang xay quốc tế có xu hướng chuyển sang sử dụng Robusta - dòng cà phê mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về sản lượng.
Mặc dù giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn là cà phê thô khiến giá trị gia tăng chưa tương xứng với tiềm năng.
Để tận dụng lợi thế từ giá cà phê tăng cao, các chuyên gia cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần có chiến lược dài hạn thay đổi từ mô hình sản xuất số lượng lớn sang tập trung vào chất lượng. Điều này bao gồm việc phát triển các dòng cà phê đặc sản, nâng cao tiêu chuẩn chế biến, cũng như xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành cũng cần chú trọng đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô để gia tăng giá trị sản phẩm. Khi thế giới đang quan tâm nhiều hơn đến cà phê có chất lượng cao, bền vững, đây chính là thời điểm vàng để cà phê Việt Nam khẳng định vị thế của mình.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tượng La Nina có thể thay thế El Nino trong năm 2025, làm gia tăng nguy cơ sương giá tại Brazil. Nếu điều này xảy ra, sản lượng cà phê của quốc gia này có thể giảm sâu, đẩy giá lên mức kỷ lục mới nhưng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường ngay lập tức. Theo đó, ngành cà phê Việt Nam cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đồng thời chủ động điều chỉnh chiến lược để tận dụng tối đa cơ hội đang có. Do đó, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu năm 2025, ngành cà phê cần giữ vững quy hoạch vùng trồng, duy trì diện tích ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tiếp tục mở rộng thị trường, thích ứng linh hoạt với biến động toàn cầu để duy trì lợi thế cạnh tranh.