![]() |
Thị trường nhóm nông sản 21/7: Lúa mì phục hồi, ngô và đậu tương tăng mạnh |
Thị trường lúa mì
Giá lúa mì kỳ hạn trên sàn CBOT tăng trong phiên cuối tuần, được hỗ trợ bởi việc thu hoạch chậm lại tại Mỹ. Dù phần lớn các bang trọng điểm đã gần hoàn tất vụ mùa, tốc độ bán ra từ nông dân vẫn thấp, giúp giá có thêm động lực.
Tại châu Âu, Pháp đã thu hoạch được 71% diện tích lúa mì mềm - mức nhanh hơn trung bình nhiều năm, theo FranceAgriMer. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì Nga vẫn hạn chế do nông dân bán ra nhỏ giọt, nhất là loại giàu protein.
- Lúa mì đỏ mềm CBOT tháng 9 (WU25): tăng 12,75 cent lên 5,4625 USD/giạ.
- Lúa mì cứng đỏ KC tháng 9 (KWU25): tăng 11,5 cent lên 5,29 USD/giạ.
- Lúa mì xuân Minneapolis tháng 9 (MWEU25): tăng 0,5 cent, đạt 5,9505 USD/giạ.
Thị trường ngô
Ngô bật tăng trong bối cảnh dự báo nắng nóng kéo dài tại vùng Corn Belt của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trổ cờ - thụ phấn, giai đoạn then chốt trong phát triển năng suất.
Các hoạt động mua bù bán khống cùng tín hiệu tích cực từ phân tích kỹ thuật tiếp thêm lực đẩy cho giá trong ngắn hạn.
- Ngô giao tháng 12 (CZ25): tăng 6,75 cent lên 4,2775 USD/giạ, đây là mức cao nhất trong gần 3 tuần.
Thị trường đậu tương
Đậu tương tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp, chủ yếu nhờ sức bật từ dầu đậu nành - được thúc đẩy bởi kỳ vọng gia tăng tiêu thụ nội địa trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học. Dự kiến hơn 50% sản lượng dầu đậu sẽ được dùng trong sản xuất biofuel năm tới.
Ngoài ra, thời tiết nóng trong tháng 8 – thời điểm quyết định năng suất đậu tương cũng đang gây áp lực tăng giá.
- Đậu tương tháng 11 (SX25): tăng 9,25 cent lên 10,3574 USD/giạ.
- Dầu đậu nành tháng 8 (BOQ25): giảm nhẹ 0,4 cent còn 55,82 cent/pound, sau khi chạm đỉnh 57,17 cent.
- Khô đậu nành tháng 8 (SMQ25): tăng 5,30 USD, lên 274 USD/tấn ngắn.