Thị trường carbon ASEAN có thể đạt doanh thu 3.000 tỷ USD vào năm 2050 (Ảnh: BT). |
Theo báo cáo do nền tảng thị trường carbon Abatable, Liên minh ASEAN về Thị trường Carbon và công ty tư vấn Equatorise tập trung vào Indonesia thực hiện, thị trường carbon ở Đông Nam Á có tiềm năng tạo ra doanh thu cộng dồn từ 946 tỷ USD đến 3.000 tỷ USD trong vòng 25 năm tới, nếu khu vực này áp dụng các chính sách phù hợp để khai thác những cơ hội.
Doanh thu này sẽ đến từ nhiều dự án carbon, với giá trị tiềm năng lên tới 267,7 tỷ USD vào năm 2050.
Theo đó, các dự án nhằm giảm nạn phá rừng theo khung giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (Redd+) của Liên Hợp Quốc có thể đạt giá trị tiềm năng 27,8 tỷ USD, trong khi các dự án carbon xanh – liên quan đến việc lưu trữ carbon trong các hệ sinh thái ven biển – có thể đạt giá trị tới 95,9 tỷ USD.
Phần còn lại, 144 tỷ USD, có thể đến từ các dự án biochar – lưu trữ carbon trong đất – một loại dự án mới mà ASEAN có thể xem xét phát triển, báo cáo cho biết.
Ước tính, các dự án carbon này có thể giảm hơn 1,1 tỷ tấn khí CO2 tương đương mỗi năm vào năm 2050, đồng thời tạo ra 13,7 triệu việc làm trong các ngành công nghiệp xanh mới này.
Các loại dự án carbon
ASEAN có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng carbon dồi dào (chỉ lượng carbon được lưu trữ trong một môi trường sống), do đó khu vực này có tiềm năng lớn để cung cấp tín chỉ carbon thông qua các dự án thiên nhiên.
Khoảng 47% diện tích đất của khu vực được bao phủ bởi các hệ sinh thái rừng, mặc dù nghiên cứu cho thấy khoảng 610.000 km² rừng – hơn một nửa diện tích rừng ban đầu – đã bị phá hủy từ năm 2001 đến 2019. Ngoài ra, ASEAN sở hữu khoảng 35% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu.
“Vì vậy, ASEAN có cơ hội lớn để mở rộng các dự án Redd+, trồng rừng, tái trồng rừng và tái phủ xanh (ARR), cũng như các dự án carbon xanh nhằm bảo vệ và mở rộng các hệ sinh thái rừng và biển”, báo cáo nhấn mạnh.
Với việc ASEAN là một trong những nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới – đạt sản lượng khoảng 195,5 triệu tấn gạo vào năm 2022 – khu vực này có tiềm năng phát triển các dự án carbon trong đất và nông lâm kết hợp để giảm phát thải trong lĩnh vực này.
Điều này cũng mở ra cơ hội phát triển các phương pháp tính tín chỉ carbon tập trung vào giảm phát thải từ sản xuất lúa gạo, một xu hướng đang ngày càng được quan tâm trên thị trường.
Báo cáo bổ sung rằng các dự án thiên nhiên thường mang lại những lợi ích bổ sung đáng kể, như tạo việc làm cho cộng đồng địa phương trong khu vực dự án, bảo vệ nhà cửa thông qua các dịch vụ hệ sinh thái, và hưởng lợi từ các sáng kiến xã hội liên quan đến dự án.
“Các dự án dựa trên thiên nhiên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và khôi phục đa dạng sinh học, điều rất quan trọng đối với ASEAN khi có ba trong số 17 quốc gia đa dạng sinh học hàng đầu thế giới nằm trong khu vực – Indonesia, Malaysia và Philippines”, báo cáo cho biết.
Một lĩnh vực tiềm năng khác để khu vực tạo ra tín chỉ carbon là thông qua việc đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than trước thời hạn ban đầu. Được gọi là tín chỉ chuyển đổi, đây là cách để tài trợ cho việc đóng cửa sớm các nhà máy nhiệt điện than và thay thế bằng năng lượng tái tạo, giúp các chủ nhà máy bù đắp được khoản doanh thu bị mất.
Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và một số đối tác đang nghiên cứu tính khả thi của việc sử dụng tín chỉ chuyển đổi để đóng cửa các nhà máy này.
Ngoài ra, báo cáo cũng lưu ý rằng ASEAN có tiềm năng phát triển các dự án biochar nhờ sự phong phú về rừng, trấu lúa và cây cọ trong khu vực. Biochar được tạo ra từ các phế phẩm nông nghiệp hoặc lâm nghiệp, sau đó được đưa trở lại đất để hỗ trợ loại bỏ carbon khỏi khí quyển.
Biochar còn mang lại lợi ích bổ sung như cải thiện sức khỏe đất và giảm sử dụng phân bón, từ đó cung cấp một giải pháp tuần hoàn giúp nhiều quốc gia ASEAN giảm thiểu chất thải nông nghiệp và khí thải, đồng thời nâng cao năng suất nông nghiệp.
Theo dự báo, nhu cầu toàn cầu về tín chỉ carbon tự nguyện sẽ đạt 1,2 tỷ tấn CO2 tương đương hàng năm vào năm 2030 và 5,4 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2050. Báo cáo nhận định rằng các quốc gia ASEAN "đang ở vị trí thuận lợi để tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dự kiến và được bù đắp cho điều này".
Ngoài ra, báo cáo ước tính rằng các dự án tại Đông Nam Á đã tạo ra tín chỉ carbon tương ứng với việc giảm hoặc loại bỏ 233 triệu tấn CO2 tương đương trong giai đoạn 2009–2024, chiếm 7% tổng lượng tín chỉ được phát hành trên toàn cầu. Lượng tín chỉ này đã mang lại doanh thu từ 466 triệu USD đến 1,2 tỷ USD cho khu vực.