"Bây giờ đang là giai đoạn khủng hoảng niềm tin toàn cầu. Do đó, cần tao niềm tin của xã hội vào khu vực tư nhân, cũng như tạo niềm tin của khu vực tư nhân vào thị trường. Khu vực tư nhân vẫn là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế", ông Lộc nhấn mạnh.

Khẳng định việc Chủ tịch HĐQT FLC bị bắt, hay khởi tố một số thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Thủ Thiêm… không phải hình ảnh chung của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, ông Lộc cho rằng, pháp luật phải công bằng với người làm ăn sai trái, nhưng công chúng cũng cần phải công bằng, bao dung với đội ngũ doanh nhân.

Ông Lộc cũng nhấn mạnh, việc giữ vững niềm tin vào thị trường, vào thể chế là rất quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam. "Chữ thật là trung tâm của động thái doanh nghiệp hiện nay, tạo động lực phát triển", ông đề xuất.

Trong môi trường có nhiều rủi ro và dự kiến trong tương lai cũng vẫn sẽ nhiều rủi ro, nên ông Lộc cho rằng, nâng cao năng lực quản trị rủi ro là rất cần thiết.

Ông cũng cho rằng, những vấn đề vướng mắc liên quan đến thể chế cần phải điều chỉnh, như: phải có biện pháp quản lý tốt hơn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, của thị trường chứng khoán.

"Nhưng không được giật cục, không được đột ngột, thắt chặt, để làm sao các thị trường này là thị trường huy động vốn trung và dài hạn", ông Lộc lưu ý..

TS. Võ Trí Thành thì chỉ rõ, những hạn chế đang bộc lộ tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sâu xa là do quan điểm. "Chúng ta đã xây dựng những nền tảng tốt, cụ thể như trái phiếu Chính phủ, trong khi trái phiếu doanh nghiệp lại hời hợt", ông Thành nhận định.

Ông Thành cho rằng, chúng ta phải cần kiên trì và có kế hoạch dài hạn cho thị trường trái phiếu nhiều hơn thị trường cổ phiếu.

"Trước mắt, việc giám sát phải gắn với thưởng phạt, về nguyên tắc chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, nhưng phải làm rõ tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức", ông Thành đề xuất.

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam khẳng định, chắc chắn công cụ trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng trong phát triển của Việt Nam, sẽ có tăng trưởng và suy thoái, nhưng đó là những điều rất bình thường.

Ông cho rằng, các nhà lập pháp và hành pháp vẫn cần thực thi trách nhiệm của mình trong việc điều chỉnh các hành vi của các đối tượng tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong quản lý, giám sát không nên quá chặt chẽ mà bóp chết thị trường, cũng không quá lỏng lẻo khiến thị trường gặp nhiều vấn đề.

Ông khuyến nghị, đầu tiên cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, cải thiện các quy tắc kế toán, kiểm toán. Cần bảo vệ nhà đầu tư; Củng cố trong việc phát hành trái phiếu ra công chúng đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ; Phát triển các cơ quan đánh giá tín nhiệm tín dụng; Phát triển đội ngũ nhà đầu tư chuyên nghiệp và cả có số liệu, dữ liệu để nắm bắt rõ mối liên hệ giữa các tổ chức trong hệ thống để kiểm soát rủi ro, phát hiện rủi ro.

Thị trường bất động sản không phải Việt Nam là quốc gia duy nhất chứng kiến sự tăng giá, sự khác biệt là Việt Nam thiếu sự liên kết về dữ liệu, vì thế thiếu hiểu biết về định giá, về nguồn cung, về giao dịch nên khó xác định được các rủi ro liên quan. "Chúng ta có thể học hỏi được các quốc gia khác cách làm thế nào kiểm soát được đà tăng giá bất thường của khu vực này", Trưởng đại diện IMF nói.