Nhập khẩu phân bón tăng mạnh trong thời gian qua
Nông dân chịu thiệt, doanh nghiệp gặp khó
Tại buổi tọa đàm "Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh từ chính sách thuế" mới đây, ông Dương Trí Hội - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - cho biết: Từ khi áp dụng Luật Thuế 71, khoản thuế mà doanh nghiệp (DN) không được khấu trừ so với trước đây lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Thêm nữa, với việc đưa dây chuyền sản xuất NPK công nghệ hiện đại châu Âu vào hoạt động trong năm nay, số thuế không được khấu trừ sẽ còn tăng hơn nữa. Không được khấu trừ thuế, DN buộc phải hạch toán vào giá thành, đồng thời cũng không dám đầu tư công nghệ hiện đại cho sản xuất. "Người nông dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất" - ông Dương Trí Hội nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc - chia sẻ, chi phí sản xuất của DN bị tăng "chóng mặt" bởi nguyên liệu đầu vào (than) cho sản xuất đạm urê phải chịu thuế 10% nhưng không được khấu trừ. Dù công ty đã tiết giảm chi phí quyết liệt, kể cả giảm lương người lao động nhưng cũng không thể bù đắp khoản tài chính này và buộc phải hạch toán vào giá thành sản xuất. Kết quả là giá phân đạm urê bị đội lên 500 đồng/kg so với trước đây.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, nếu như lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật Thuế 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017, con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng 2,5 lần.
Cần sớm sửa đổi Luật
Trước thực trạng trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và nhiều DN sản xuất phân bón đã đồng loạt kiến nghị sửa đổi Luật Thuế 71. Đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây để tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu, giúp DN đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng phân bón, giảm giá thành, từ đó có thể hỗ trợ nông dân tốt hơn.
Các DN cũng cho rằng, nếu không sửa đổi Luật Thuế 71 thì Việt Nam sẽ thành nơi nhập khẩu phân bón chất lượng thấp. Khi đó, mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch của Chính phủ sẽ khó có thể thành hiện thực.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN phân bón tại thời điểm này, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng đưa ra giải pháp, các DN tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí và tận dụng lợi thế lớn là các kênh phân phối, nhằm nhanh chóng lấp đầy các khu vực có nhu cầu, lấy ưu thế về tốc độ và số lượng để bù đắp cho sự kém linh hoạt về giá.
Chuyên gia pháp chế VCCI Nguyễn Minh Đức thông tin, trong tờ trình Chính phủ mới đây về sửa đổi các Luật thuế, Bộ Tài chính đã kiến nghị đưa một số mặt hàng thuộc diện không chịu thuế sang diện chịu thuế VAT 5%, trong đó, có tàu cá, máy nông nghiệp và phân bón. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi này vẫn chưa biết khi nào và còn phải trình Quốc hội thông qua.
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, các DN kinh doanh phân bón cần chủ động xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để ổn định sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhằm giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Lan Anh