Thanh Hóa: Doanh nghiệp và người lao động mất việc làm sẽ được hỗ trợ theo công văn mới của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

15:22 28/12/2022

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ vừa có công văn số 896-CV/TU, ngày 27-12-2022 gửi Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các cấp các ban, các sở ngành, MTTQ, các đoàn thể các cấp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh.

Công văn có nội dung cụ thể như sau: Thời gian gần đây, kinh tế thế giới và khu vực biến động theo chiều hướng xấu, sức mua giảm, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào sản xuất, vận tải tăng cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy bị giảm đơn hàng, cá biệt có doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động, cho người lao động nghỉ việc luân phiên hoặc phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn ở mức cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ đình công, tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Để tháo gỡ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động, không để xảy ra các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo: Tập trung nắm chắc tình hình hoạt động, việc cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, như: Chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cho lao động nghỉ việc không hưởng lương, thực hiện trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, các chế độ tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi khác của người lao động, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Theo dõi tình hình tranh chấp lao động, đình công, chủ động phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm mới.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch số 94-KH/TU ngày 13/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh “Về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 - 2026”; Quyết định số 3487/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh “Về việc phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025”... Chủ động nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới; tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường, tham gia hiệu quả vào liên kết ngành, liên kết chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để duy trì, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp khắc phục tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh, yêu cầu chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác của người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Tuyên truyền, vận động người lao động gắn bó với doanh nghiệp, cùng với chủ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trước mắt, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Phối hợp với doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng phương án bố trí lao động phù hợp để giữ chân người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động. Phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động; giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, việc thực hiện các cam kết với người lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình chăm lo Tết cho người lao động.

Yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nắm tình hình của công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc, vấn đề đột xuất, bất ngờ, nhất là việc lôi kéo, kích động người lao động đình công, biểu tình, gây mất an ninh trật tự tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Dói với các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023; chỉ đạo xây dựng các phương án phòng ngừa, khắc phục các vấn đề tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh trật tự tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng công nhân lao động đình công, biểu tình, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng do chấm dứt hợp đồng lao động. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh về phát triển doanh nghiệp; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Ngọc Lâm