Bài liên quan |
Đề xuất tiếp tục giảm thuế GTGT 2% để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp |
Phú Thọ: Tăng trưởng công nghiệp ấn tượng nhờ hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện |
Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhằm từng bước hoàn thiện khung pháp lý phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi xanh của quốc gia. Trong bối cảnh yêu cầu sử dụng năng lượng ngày càng gia tăng, đồng thời các tiêu chuẩn quốc tế về phát thải và môi trường ngày càng nghiêm ngặt, việc xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch và có khả năng thúc đẩy thay đổi thực chất trong hành vi sử dụng năng lượng của doanh nghiệp và người dân là điều cấp thiết. Dự thảo Luật lần này bao gồm hai điều, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các nội dung của Luật hiện hành và quy định rõ ràng về hiệu lực thi hành, với trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường vai trò của Nhà nước và khuyến khích sự tham gia chủ động của khu vực tư nhân trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ tài chính quốc gia thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ này sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nâng cấp, cải tiến công nghệ, cải tạo dây chuyền sản xuất theo hướng giảm tiêu hao năng lượng, đồng thời hỗ trợ triển khai các dự án tiết kiệm năng lượng trong thực tiễn. Nguồn tài chính của quỹ sẽ được hình thành từ ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn lực của xã hội và các nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là các nguồn vốn quốc tế. Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho các dự án có tác động rõ rệt đến việc giảm mức tiêu thụ năng lượng và cải thiện hiệu suất năng lượng trong sản xuất – kinh doanh. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính, Nhà nước còn mở rộng cơ chế ưu đãi về thuế như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như chính sách ưu đãi về đất đai đối với các nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng.
![]() |
Sẽ có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ vì tiêu chuẩn xanh |
Dự thảo cũng thể hiện quan điểm rõ ràng của Nhà nước trong việc xác định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là biện pháp kỹ thuật hay trách nhiệm tự nguyện của doanh nghiệp, mà còn là một phần cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất đưa tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trở thành một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là bước đi có ý nghĩa chiến lược nhằm lồng ghép yếu tố môi trường và hiệu quả năng lượng vào tư duy phát triển của bộ máy chính quyền các cấp, góp phần bảo đảm tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Song song với các chính sách tài chính và quản lý, Nhà nước cũng chú trọng thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và phổ biến kiến thức. Dự thảo luật quy định rõ: Nhà nước sẽ đẩy mạnh đầu tư, đồng thời áp dụng nhiều hình thức huy động nguồn lực để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Những ngành, lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao và tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua các chính sách quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng khuyến khích phát triển dịch vụ tư vấn năng lượng và thúc đẩy đào tạo, cập nhật kiến thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Việc khuyến khích các cơ sở sử dụng năng lượng ký kết các thỏa thuận tự nguyện về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước cũng được xem là một bước đi linh hoạt, mở rộng vai trò của khu vực tư nhân và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các Bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương và đông đảo người dân. Quá trình lấy ý kiến nhằm bảo đảm sự minh bạch, toàn diện và thực tiễn, giúp dự thảo tiếp thu được nhiều góc nhìn đa chiều, phản ánh đúng nhu cầu thực tế và xu thế phát triển trong nước cũng như quốc tế. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo sẽ được Bộ Công Thương chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay. Đây được kỳ vọng là một dấu mốc quan trọng, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.