Tạo cơ hội kinh doanh “vàng” cho người dân phố đi bộ
Theo ông Vũ Mạnh Hoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, đơn vị đầu tư và vận hành phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, dự án đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho đời sống kinh tế của người dân trong khu vực.
“Nay người dân được kinh doanh hợp pháp ngay trên vỉa hè, thậm chí có hộ còn bày bán ra cả lòng đường trong khung giờ phố đi bộ. Trước đây điều này là không tưởng. Bây giờ thì họ có lợi rất nhiều,” CEO Vũ Mạnh Hoàn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, dù được hưởng lợi, vẫn có một số ý kiến phàn nàn từ người dân mỗi khi có điều gì chưa thuận tiện. Thực tế là họ được hưởng lợi nhiều hơn rất nhiều, nhưng khi gặp chút ảnh hưởng thì vẫn có phản ứng. Đó cũng là điều dễ hiểu trong quá trình vận hành ban đầu.
Từ những ngày đầu triển khai, ban quản lý phố đi bộ đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng để đảm bảo môi trường và an toàn cho người dân cũng như du khách. “Chúng tôi đã làm việc với Công ty Môi trường nông thôn để tiến hành thu gom rác, giữ gìn vệ sinh. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy và thuế đều được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng,” CEO Vũ Mạnh Hoàn cho biết.
Dù chỉ có vài ngày chuẩn bị trước dịp 30/4 – 1/5, phố đi bộ vẫn kịp đưa vào vận hành, đáp ứng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. “Đồng chí Chủ tịch tỉnh rất quan tâm, trực tiếp đi kiểm tra, kể cả vào những ngày thường,” CEO Vũ Mạnh Hoàn nhấn mạnh.
Là một dự án đầu tư hoàn toàn bằng nguồn lực doanh nghiệp, phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng không tránh khỏi những khó khăn trong giai đoạn đầu. Ban đầu, ý tưởng là cộng đồng doanh nghiệp cùng làm, chính quyền hỗ trợ, nhưng do bối cảnh kinh tế khó khăn, không thể triển khai nhanh, nên một doanh nghiệp phải đứng ra tiên phong.
Về chi phí vận hành, CEO Vũ Mạnh Hoàn chia sẻ: “Hiện chúng tôi thu khoảng 5 triệu đồng/gian, nhưng thực tế mới khai thác được khoảng 30 gian trong tổng số hơn 50 gian. Nếu doanh thu đạt 200 triệu đồng/tháng, thì riêng chi phí vệ sinh đã tiêu tốn khoảng 40 triệu đồng. Chưa kể chi phí sân khấu, điện, âm thanh, nghệ sĩ biểu diễn… trung bình cũng hơn 3 triệu đồng/ngày.”
Dù vậy, ông Hoàn cho rằng, đây là khoản đầu tư cần thiết để tạo ra một sản phẩm du lịch đô thị mới, góp phần làm thay đổi diện mạo và sinh khí kinh tế đêm cho Thái Bình.
“Chúng tôi mong muốn xây dựng một không gian đi bộ văn minh, sạch đẹp, hiện đại – nơi không chỉ người dân Thái Bình, mà cả du khách cũng muốn đến, muốn quay lại. Dù giai đoạn đầu có nhiều vất vả, nhưng tôi tin đây sẽ là một bước ngoặt cho kinh tế đêm của tỉnh nhà,” CEO Vũ Mạnh Hoàn khẳng định.
![]() |
Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng (Thái Bình) thu hút người dân tới trải nghiệm |
Kết nối doanh nghiệp từ nền tảng số
Không chỉ là không gian kinh doanh và trải nghiệm, phố đi bộ còn được định hướng trở thành nơi quảng bá sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, theo ông Hòa, thách thức lớn nhất không phải là trưng bày mà là “bán được hàng”.
Theo CEO Vũ Mạnh Hoàn, nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Thái Bình hiện vẫn loay hoay với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nông sản, thủ công mỹ nghệ hay mặt hàng thời vụ. “Chúng ta hay tổ chức hội chợ, lễ hội quảng bá. Nhưng vấn đề không phải là “trưng bày”, mà là “bán được”. Làm thế nào để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng một cách ổn định, dài hạn, có kênh phân phối rõ ràng?”
Chính vì vậy, ông đề xuất ý tưởng thành lập một sàn thương mại điện tử nội bộ dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình. Đây không đơn thuần là một sàn thương mại điện tử như Shopee hay Tiki, mà là một “chợ số” chuyên biệt để doanh nghiệp trong tỉnh kết nối, giao dịch, chia sẻ nguồn lực.
![]() |
Ông Vũ Mạnh Hoàn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát |
Ông phân tích: “Giả sử một doanh nghiệp A sản xuất ra 1.000 đơn vị sản phẩm nhưng chỉ bán được 700 đơn vị. 300 sản phẩm còn lại sẽ phải lưu kho hoặc thanh lý. Trong khi đó, có thể một doanh nghiệp B trong tỉnh lại cần chính sản phẩm đó để làm nguyên liệu, quà tặng hay kênh phân phối. Nếu có một nền tảng kết nối trực tiếp, hai bên sẽ gặp nhau, chốt đơn nhanh chóng theo giá đại lý. Hàng không bị tồn, doanh thu tăng, chi phí giảm.”
Mô hình “sàn thương mại nội bộ” nếu được triển khai sẽ có nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm chi phí tồn kho, logistic: Thay vì để hàng hóa “chết” trong kho, doanh nghiệp có thể bán sỉ hoặc trao đổi trực tiếp với nhau; ổn định giá cả thị trường - khi doanh nghiệp tự xử lý được hàng tồn thông qua kênh nội bộ, không cần “phá giá” trên các sàn TMĐT công cộng, tránh gây rối loạn thị trường; tăng khả năng cạnh tranh bởi nhờ có thêm đầu ra, doanh nghiệp nhỏ lẻ có thể tái đầu tư sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô. Đồng thời tạo kênh dữ liệu kinh doanh nội tỉnh, khi giao dịch số hóa, tỉnh có thể nắm bắt được xu hướng tiêu dùng, chuỗi cung ứng và tình trạng hàng hóa để có chính sách hỗ trợ sát thực tế hơn.
Phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng và ý tưởng của CEO Vũ Mạnh Hoàn là minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình nói riêng, doanh nghiệp Việt nói chung trong việc kiến tạo những giá trị bền vững cho địa phương.