Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup đang tăng dựng đứng từ đầu năm đến nay, trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trong rổ VN30 (tập hợp 30 cổ phiếu có chỉ số vốn hóa lớn trên sàn HOSE). Tại thời điểm 14h00, cổ phiếu VIC giao dịch ở 94.000 đồng/cp, gấp 2,3 lần so với ngày đầu năm.
![]() |
Cổ phiếu VIC tiến một mạch lên vùng giá 90.000 đồng/cp chỉ sau vài tháng. (Nguồn: TradingView). |
Thực tế, đà tăng mạnh của cổ phiếu nhà Vin diễn ra từ đầu tháng 3 rồi sau đó vọt tăng sau ĐHĐCĐ thường niên của tập đoàn. Tại đây, tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup cho biết đầu tư cổ phiếu cũng giống như đi tàu, lúc có sóng, có gió, nếu nhà đầu tư vội vàng nhảy xuống biển thì sẽ hối tiếc.
So sánh giữa việc đầu tư cổ phiếu VIC của Vingroup với vàng, ông Vượng khẳng định: “Nên chọn VIC hay chọn vàng? Anh chọn VIC là đúng rồi đấy, với tâm huyết, công sức của từng này người, từng bước giá trị sẽ được tạo ra, đẳng cấp sẽ được công nhận”.
Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, một loạt thông tin tích cực đã hỗ trợ cho sự “thăng hoa” của cổ phiếu VIC nói riêng và nhóm cổ phiếu họ nhà Vin nói chung như VHM của Vinhomes, VRE của Vincom Retail và “tân binh” VPL của Vinpearl.
Trong đó có thể kể đến thông tin Vingroup đã chính thức được TP HCM giao lập đề xuất dự án đường sắt đi Cần Giờ (TP HCM) theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,09 tỷ USD).
Theo đó, Vingroup chịu trách nhiệm tự cân đối kinh phí để nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án, không sử dụng ngân sách Thành phố. Trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận, nhà đầu tư chịu mọi rủi ro và các khoản chi phí đã thực hiện.
Thứ hai là việc cổ phiếu VPL của CTCP Vinpearl đã chính thức lên sàn và tăng kịch trần 20% trong phiên đầu tiên. Vingroup hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl, sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu VPL, tương ứng 85,5% vốn điều lệ. Vinpearl cũng là công ty thứ 4 trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết cổ phiếu trên HOSE, cùng với Tập đoàn Vingroup, CTCP Vinhomes và CTCP Vincom Retail. Tính đến ngày 21/5, tổng vốn hóa của 4 doanh nghiệp kể trên là hơn 850.000 tỷ đồng.
Thứ bà là ngày 19/5, UBND TP Hà Nội đã tổ chức khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn Vingroup và một số đối tác khác. Thông tin này cũng đã giúp cổ phiếu VIC tăng kịch trần trong phiên 19/5.
Bên cạnh những tin vui nói trên, Tập đoàn Vingroup mới đây công bố kế hoạch phát triển một khu đô thị quy mô lớn với tổng mức đầu tư lên tới hơn 41.000 tỷ đồng tại tỉnh Bắc Ninh với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 41.270 tỷ đồng.
Năm 2025, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập dự kiến 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024.
Phần lớn khối tài sản ông Phạm Nhật Vượng đến từ việc nắm giữ cổ phiếu VIC của Vingroup. Ông Vượng hiện vẫn nắm 17,87% cổ phần Vingroup, tương đương 691,2 triệu cổ phiếu VIC. Vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam còn sở hữu gián tiếp Vingroup thông qua Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG).
Ngoài ra, ông còn trực tiếp nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp khác như VIG, Giải pháp năng lượng VinES, Giải pháp năng lượng VinES Hà Tĩnh, Quỹ giải thưởng VinFuture, gián tiếp nắm gần một nửa cổ phần VinFast.
Với thị giá VIC vượt mốc 94.000 đồng/cp tại thời điểm 14h00 ngày 21/5, chưa kể các cổ phiếu trong hệ sinh thái Vin đều đi lên trong giai đoạn vừa qua, tài sản tính trên giá trị cổ phiếu sở hữu của Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã đạt trên 206.000 tỷ đồng, tăng 114.400 tỷ đồng so với năm ngoái, tương đương tăng 126%.
Giá trị tài sản của ông Vượng thậm chí đã vượt qua giá trị vốn hóa của hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán như Hòa Phát, FPT, PV GAS, Masan Consumer, Vinamilk... và 3 ngân hàng MB, VPBank, ACB...
Đối với bảng xếp hạng người giàu, tính đến ngày 21/5, tổng giá trị tài sản của 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vượt 484.000 tỷ đồng, tăng 107.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng 28,4% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024.
Trong đó, đáng chú ý, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn hơn cả tổng tài sản của 9 người kế tiếp cộng lại.
![]() |
TOP 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tính đến hết 20/5. (Nguồn: Tổng hợp). |
Còn theo thống kê theo thời gian thực của Forbes ngày 21/5 cho thấy tài sản Chủ tịch Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu Phạm Nhật Vượng đạt 10,3 tỷ USD - tăng hơn 6,7% chỉ sau một đêm và xếp thứ so với ngày hôm qua và xếp thứ 272 người giàu nhất hành tinh.
Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes năm 2013, với khối tài sản 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974 thế giới. Đã có lúc vị tỷ phú này từng lọt top 30 người giàu nhất thế giới với khối tài sản hơn 44 tỷ USD khi VinFast mới niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, sau đó Forbes thay đổi công thức tính khiến tài sản của ông Vượng chỉ còn 6,7 tỷ USD vào ngày 31/8/2023.
Forbes thống kê tài sản của cá nhân dựa vào số lượng và giá cổ phiếu người này nắm giữ tại một thời điểm nhất định. Ngoài ra, họ cũng đánh giá nhiều tài sản khác của các tỷ phú khi xấp hạng, gồm sở hữu tại các công ty riêng, bất động sản, các tác phẩm nghệ thuật, du thuyền...
![]() |
Ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 272 những người giàu nhất hành tinh. (Ảnh: Forbes). |