![]() |
Ảnh minh họa: PNJ. |
Trên sàn chứng khoán, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ vàng và trang sức vàng bạc, đá quý duy nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán với mã PNJ.
Hiện tại, vốn điều lệ của PNJ đạt 3.380 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông khá phân mảnh với sự tham gia của nhiều quỹ ngoại. Mới đây nhất, T. Rowe Price Associates - công ty quản lý đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Baltimore, Maryland (Mỹ) đã chính thức trở thành cổ đông lớn của PNJ với tỷ lệ nắm giữ là 5,18% vốn.
Ngược lại, Dragon Capital trước đó bán ra cổ phiếu PNJ và giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,03% xuống còn 4,9972%, qua đó không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp bán lẻ trang sức này kể từ ngày 8/5.
Cá nhân đang nắm giữ nhiều cổ phiếu PNJ nhất hiện đang là bà Trần Phương Ngọc Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT PNJ, đồng thời là con gái Chủ tịch Cao Thị Ngọc Dung với hơn 11,8 triệu cổ phiếu, tương đương 3,51% vốn điều lệ.
Hiện tại, PNJ sở hữu hệ thống các cửa hàng trên khắp cả nước với tổng cộng với 429 cửa hàng, bao phủ 58/63 tỉnh thành (tính đến cuối quý I/2025). Công ty có kế hoạch phát triển thêm từ 12 - 25 cửa hàng trong năm 2025.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.635 tỷ đồng, và lợi nhuận sau thuế đạt 678 tỷ đồng; giảm lần lượt gần 24% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng cải thiện lên mức kỷ lục với 7%.
So với kế hoạch cả năm, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 30% chỉ tiêu doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận.
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính. |
Về hoạt động kinh doanh của từng kênh trong quý đầu năm, doanh thu trang sức bán lẻ - mảng có biên lãi gộp cao nhất của doanh nghiệp, ghi nhận sự ngược dòng thị trường trong bối cảnh sức mua thị trường trang sức suy yếu bởi giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường bán lẻ giảm tốc trong tháng 3.
Cụ thể, doanh thu trang sức bán lẻ của PNJ tăng 6% so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới và gia tăng số lượng cửa hàng so với quý I/2024; các chương trình marketing mùa cao điểm đầu năm; chiến lược sản phẩm phù hợp xu hướng thị trường,... Tuy nhiên nếu so với quý liền trước – tức quý IV/2024, sự tăng trưởng của doanh thu trang sức bán lẻ của PNJ đã “chậm” lại so với mức 10% của quý cuối năm vừa rồi.
Tương tự, doanh thu trang sức bán sỉ trong quý đầu năm nay của PNJ tăng gần 23% so với cùng kỳ do công ty có lợi thế là nhà sản xuất chính quy và uy tín. Ngược lại, doanh thu bán vàng 24K giảm 66% so với quý I năm ngoái.
Trước tình trạng nguồn nguyên liệu gặp khó khăn và nguồn cung sản phẩm 24K bị hạn chế kéo dài từ nửa cuối năm 2024 đến nay, PNJ đã chủ động ưu tiên phân bổ nguồn lực cho mảng trang sức bán lẻ – lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của công ty và đem lại biên lãi gộp cao hơn.
Kết quả, nhờ sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu khi tỷ trọng từ mảng trang sức bán lẻ đã cải thiện từ mức 50% cùng kỳ lên 69% quý này đã giúp biên lợi nhuận gộp trung bình trong quý đầu năm đạt 21,3%, tăng so với mức 17,1% cùng kỳ năm 2024.
Thực tế, từ cuối năm ngoái, giới phân tích đã dự báo sang năm 2025 doanh thu vàng miếng của PNJ sẽ sụt giảm mạnh. Cùng với đó, PNJ đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó, đáng kể nhất là áp lực chi phí đầu vào, điều kiện thị trường đầu ra yếu và sự thay đổi hành vi tiêu dùng trong bối cảnh giá vàng liên tục neo ở mức cao.
Chủ tịch HĐQT Cao Thị Ngọc Dung trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4 mới đây phải thừa nhận “ngành vàng/trang sức vẫn khó khăn, với các đơn vị thiếu bãn lĩnh là không có lối ra. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn nỗ lực và tìm ra lối đi mới để vượt khó khăn, tiến lên phía trước”.
Năm 2025 tình hình càng khó khăn hơn, khi nguồn cung nguyên liệu quá sức khó khăn, đội ngũ lãnh đạo công ty rất buồn khi không khí ngày thần tài không như mọi năm, nhưng với sự cố gắng của ban lãnh đạo thì vẫn có tăng trưởng.
"Nhiều người nghĩ khi giá vàng lên thì PNJ lời lắm, khi giá vàng xuống PNJ lỗ. Trong kinh doanh trang sức thì chúng tôi phải làm sao giá vàng lên hay xuống không quá ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty", người đứng đầu PNJ nói.
Giá vàng lên, công ty phải có phương pháp cân bằng lượng vàng và phương án dự trù trong tương lai. Khi xây dựng kế hoạch, PNJ không nghĩ đến chuyện sẽ lời khi giá vàng lên hay giá vàng xuống, không đặt chuyện lời vàng trong việc kinh doanh trang sức.
Có thể thấy trong 4 tháng đầu năm nay, giá vàng tăng chóng mặt, có lúc vượt 120 triệu đồng/lượng nhưng PNJ lại thông báo không có vàng nhẫn trơn hay vàng miếng SJC để bán ra. Tương tự, tại các cửa hàng PNJ sản phẩm nhẫn trơn và vàng miếng cũng hết hàng từ lâu.
Song trên báo cáo tài chính quý I/2025, tồn kho thành phẩm của PNJ đã tăng trở lại từ cuối năm ngoái, cũng là thời điểm sản phẩm vàng trang sức bắt đầu đối mặt với khó khăn lớn hơn về đầu ra, khi sức mua của thị trường trường suy yếu do giá vàng tăng cao và nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường bán lẻ giảm tốc. Tại cuối quý I/2025, hàng tồn kho của PNJ hơn 13.700 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng tài sản, trong đó hàng thành phẩm gần 8.500 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi lên sàn (2009).
![]() |
Nguồn: Báo cáo tài chính. |
Nhìn chung, PNJ vẫn đang sở hữu cơ cấu tài chính lành mạnh với khoảng 1.900 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Khoảng tiền này trong ba tháng đầu năm đã đem về gần 26 tỷ đồng lãi tiền gửi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, dư nợ tài chính tính đến cuối quý I/2025 của PNJ là 3.488 tỷ đồng, hoàn toàn là vay ngắn hạn để phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động. Mức này chỉ chiếm 1/5 tổng nguồn vốn. Trong ba tháng đầu năm, doanh nghiệp đã đi vay 2.183 tỷ đồng và đã trả nợ gốc vay 2.036 tỷ. Chi phí lãi vay chưa tới 29 tỷ đồng trong quý I.