Dòng vốn cổ đông ngoại đổ về các công ty dược phẩm Việt
![]() |
Ảnh minh họa |
Hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm trên sàn chứng khoán trong thời gian qua đã tìm kiếm cho mình được đối tác chiến lược hoặc bắt tay liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp ngoại có tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
Thương vụ mới thực hiện gần đây là việc CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đón cổ đông ngoại đến từ Trung Quốc là Livzon Pharmaceutical Group. Ước tính, tập đoàn dược hàng đầu của quốc gia tỷ dân này đã chi khoảng 5.730 tỷ đồng để nắm 65% cổ phần của Imexpharm. Bên bán là những công ty liên quan đến SK Group - tập đoàn đến từ Hàn Quốc
Thực tế, SK Group đã bắt tay với Imexpharm và trở thành cổ đông chiến lược của công ty dược có trụ sở tại Đồng Tháp này từ năm 2020 khi nhận chuyển nhượng 25% vốn.
Từ cổ đông chiến lược, doanh nghiệp ngoại từ Hàn Quốc từng bước gom cổ phiếu lên mức chi phối Imexpharm với tỷ lệ nắm giữ 47,67% vốn điều lệ. Cộng thêm với cổ phần từ hai công ty có liên quan, tỷ lệ nắm giữ của SK Group tại Imexpharm được nâng lên 65%.
Theo ban lãnh đạo Imexpharm, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với SK Group, công ty đã thiết lập được vị thế vững chắc trong ngành – được hậu thuẫn bởi năng lực ngày càng được nâng cao, mạng lưới toàn cầu rộng khắp, cùng đội ngũ nhân sự giàu tâm huyết và chuyên môn.
Cùng với sự hiện diện của SK Group, đến năm 2023, Imexpharm đã trở thành doanh nghiệp dược phẩm sở hữu nhiều dây chuyển EU-GMP nhất cả nước, đồng thời từng bước “vươn ra biển lớn”. Kết quả kinh doanh của Imexpharm theo đó cũng thiết lập các mốc kỷ lục mới kể từ khi có sự tham gia của SK Group.
Một trường hợp khác doanh nghiệp dược nội địa về tay tập đoàn nước ngoài là CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG). Giữa năm 2016, Hãng dược Taisho Pharmaceutical của Nhật Bản đã nhận chuyển nhượng tổng cộng hơn 21,3 triệu cổ phiếu DHG củaDược Hậu Giang, tương đương 24,4% cổ phần và chính thức hiện diện tại công ty dược phẩm lớn nhất lúc bấy giờ trên sàn chứng khoán.
Taisho tiếp tục mua gom cổ phần của Dược Hậu Giang, để rồi đến năm 2019, thị trường dậy sóng khi Hãng dược của Nhật Bản chính thức nâng tỉ lệ sở hữu từ 34,99% lên 50,78% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang. Còn Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) xếp xuống vị trí thứ hai. Hiện tại, Taisho đang nắm chi phối cổ phần của Dược Hậu Giang với 51,01% và SCIC sở hữu 43,31%.
Hay hồi 2021, Stada - “gã khổng lồ” dược phẩm của Đức, đã thực hiện một thương vụ thâu tóm được coi là lớn nhất nhì trong ngành dược Việt Nam suốt một thập kỷ qua. Đó là việc công ty Đức từ cổ đông chiến lược của CTCP Pymepharco từ năm 2008, đã chính thức mua lại công ty dược phẩm có trụ sở tại Phú Yên này.
Khi đó, Pymepharco đã mở rộng quy mô với mức tăng trưởng cao nhất trong số 5 công ty dược hàng đầu tại Việt Nam và là nhà sản xuất toa thuốc generic (Thuốc generic được phát triển để giống với thuốc đã được cấp phép (thuốc tham chiếu) - PV) lớn thứ hai trên cả nước.
Với việc mua lại dần dần cổ phần, Stada đã chính thức nắm 99% cổ phần của Pymepharco, đồng thời đánh dấu việc rút khỏi sàn chứng khoán của công ty dược phẩm lớn thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam lúc bấy giờ.
Tại CTCP Traphaco (Mã: TRA) – công ty chuyên về thuốc đông dược cũng đón cho mình các cổ đông nước ngoài. Tại cuối quý I/2025, ngoài SCIC là cổ đông chi phối là 35,67%, còn có Magbi Fund Limited và Super Delta Pte. Ltd nắm lần lượt 25% và 15,12% vốn của Traphaco.
Nếu tính cả Access S.A., SICAV-SIF - ASIA TOP PICKS (quỹ ngoại đến từ Luxembourg) với 5%, thì tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Traphaco là 46,14%, ngày càng tiến sát đến mức tối đa được cho phép (49%).
Nói thêm, MAGBI Fund Limited và Super Delta Pte.Ltd là đại diện cho quỹ đầu tư Mirae Asset và Công ty Dược phẩm Daewoong Pharmaceutical. Daewoong nằm trong Top 3 hãng dược lớn nhất Hàn Quốc với doanh thu hằng năm trên 1 tỷ USD.
![]() |
Tỷ lệ cổ đông nước ngoài nắm giữ tại các công ty dược phẩm trên sàn chứng khoán. Nguồn: Tổng hợp |
Như đã đề cập, dược phẩm là ngành tăng trưởng ổn định, ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế chung gặp khó khăn. Điển hình là thời điểm Covid-19 và sau đó là khi nền kinh tế từng bước hồi phục sau đại dịch, một loạt công ty khắp các ngành phải đối diện với các thách thức về vốn, nhân lực, tiêu thụ... thì ngành dược vẫn được cho là “sống khỏe”. Doanh thu thị trường dược phẩm Việt Nam từ năm 2021 đến nay vẫn tăng đều hai chữ số.
Theo số liệu mới nhất, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam tăng từ 2,7 tỷ USD năm 2015 lên 7 tỷ USD năm 2025, tức gấp 2,6 lần sau một thập kỉ. Con số này dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2026. Hiện tại thị trường dược Việt Nam là thị trường lớn thứ hai khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
![]() |
Nguồn: Chứng khoán ABS |
Về dài hạn, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028 (theo IQVIA).
Một trong các yếu tố để ngành dược tăng trưởng là nhờ Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% (năm 2019) lên 13,9% (năm 2023), cùng với đó, tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, alzheimer, ung thư phổi và tiểu đường… ngày càng phổ biến.
Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ý thức về sức khỏe và chủ động phòng ngừa bệnh tật, trong khi đó, thu nhập khả dụng tăng, kéo theo sự cải thiện mức chi tiêu cho dược phẩm và các thiết bị chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, các chuyên gia dự báo với dân số gần 100 triệu người và chi tiêu cho y tế tăng mạnh (tăng 8,7 lần trong 30 năm qua), thị trường dược phẩm Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều tập đoàn dược phẩm quốc tế.
Có thể thấy dư địa phát triển ngành dược Việt Nam vẫn còn lớn song các doanh nghiệp nội địa hiện nay chỉ mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại thông qua nhập khẩu.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều tập đoàn lớn nước ngoài "để mắt" đến các công ty dược phẩm Việt Nam là do công ty dược Việt Nam không có lợi thế sản xuất nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị... mà chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).
Theo đó, việc thực hiện M&A với các doanh nghiệp nước ngoài trở thành cơ hội để doanh nghiệp dược phẩm nội địa tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới có chất lượng cao.
Về phía doanh nghiệp ngoại, họ thường tìm kiếm các hãng dược Việt Nam có thị trường lớn, năng lực sản xuất mạnh, có hướng mở rộng xuất khẩu, đặc biệt có chính sách ưu tiên trong đấu thầu để thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập.