Mới đây, Công ty Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc) vừa công bố đã mua lại 64,81% cổ phần của CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP). Giá chuyển nhượng hơn 5.730 tỷ đồng (tương đương hơn 219,1 triệu USD). Theo đó, mỗi cổ phiếu IMP được bán với giá 57.400 đồng, cao hơn 13,4% so với mức đóng cửa phiên hôm 22/5.
Như vậy, Imexpharm đang được định giá khoảng 8.842 tỷ đồng (tương đương hơn 338,1 triệu USD). Sau giao dịch, Livzon Pharmaceutical Group trở thành cổ đông lớn nhất của Imexpharm. Theo sau là Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm - DVN) với tỷ lệ sở hữu 22,04%.
![]() |
Cơ cấu cổ đông của Imexpharm trước khi công ty Trung Quốc gia nhập. (Nguồn: BCTC năm 2024). |
Livzon Pharmaceutical cho biết, cơ sở xác định giá trị giao dịch dựa trên vốn hóa trung bình trong 30 phiên gần nhất của IMP, đạt khoảng 269 triệu USD. Ngoài ra, tập đoàn dược phẩm này còn căn cứ vào việc phí kiểm soát (control premium) trung bình trên thị trường khoảng 42% so với giá đóng cửa bình quân một tháng qua. Phí kiểm soát là khoản chênh lệch khi mua lại để nắm quyền kiểm soát một công ty. Giá mua lại còn được tính toán để cao hơn 38,4% so với mức bình quân gia quyền theo khối lượng (VWAP).
Imexpharm tiền thân là Xí nghiệp Liên Hiệp Dược Đồng Tháp, trực thuộc Sở Y tế Đồng Tháp, thành lập năm 1983. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm dược phẩm, bao gồm các loại thuốc và sản phẩm y tế khác nhau. Doanh nghiệp chính thức cổ phần hoá năm 2001 và đổi sang tên CTCP Dược phẩm Imexpharm.
Imexpharm cũng là công ty dược đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào năm 2006 với mã IMP. Báo cáo thường niên năm 2024 công bố Imexpharm đang là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất trong ngành dược phẩm Việt Nam với 1.540 tỷ đồng (hơn Dược Hậu Giang với 1.307 tỷ đồng).
Hiện Imexpharm có 4 cụm nhà máy với 7 nhà máy và xưởng sản xuất. Công ty cũng đang dẫn đầu cả nước với 12 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP (năm 2024: Bổ sung thêm 1 dây chuyền IMP4) và giữ vững vị thế số 1 về sản xuất và phân phối thuốc kháng sinh 10% thị phần.
Tại thị trường thuốc kê đơn (kênh bệnh viện ETC), vị thế của Imexpharm đã vươn lên top 3 toàn ngành (bao gồm cả doanh nghiệp nội và ngoại), từ vị trí thứ 11 vào năm 2022.
Theo số liệu mới nhất quý I/2025, doanh thu thuần của Imexpharm tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 23% so với cùng kỳ lên 671 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt74 tỷ đồng, tăng hơn 19%. Mức tăng trưởng được hỗ trợ đồng đều từ cả hai kênh ETC (kênh bệnh viện) và OTC (kênh bán thuốc tại quầy).
Xét về từng nhóm thuốc, nhóm sản phẩm thuốc ho ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng tới 42% trong bối cảnh các bệnh đường hô hấp gia tăng đầu năm. Xét về quy mô doanh thu trong ngành, Imexpharm đứng thứ ba trên sàn sau Dược Hậu Giang (Mã: DHG) và Tổng Công ty Dược Việt Nam (Mã: DVN), căn cứ theo số liệu quý I/2025. Còn xét về lợi nhuận, Imexpharm chỉ sau Dược Hậu Giang và Dược Bình Định (Mã: DBD).
![]() |
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Imexpharm đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu tăng 18,6% đạt 2.981 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 22% lên 493,5 tỷ đồng.