Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đang có 4 công ty đang giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó 2 công ty thành viên niêm yết trên sàn HOSE là Viettel Contruction (Mã: CTR), Viettel Post (Mã: VTP). Hai đơn vị khác giao dịch trên UPCoM là Viettel Consultancy (Mã: VTK) và Viettel Global (Mã: VGI).
Kể từ khoảng đầu năm đến nay, cổ phiếu 4 công ty họ Viettel đối diện với nhịp điều chỉnh khi giảm từ 18% - 25% sau vài tháng.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu nhóm công ty họ Viettel từ đầu năm đến nay. (Nguồn: TradingView). |
Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - VGI) là đơn vị đảm nhiệm đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài của Tập đoàn Viettel. Đến nay, Viettel Global vươn lên trở thành một trong 11 công ty đầu tư viễn thông ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thị trường sở hữu vốn đầu tư nhiều hơn 49% và thuộc top 25 hãng viễn thông thế giới về số thuê bao.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Viettel Global đạt 9.657 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.310 tỷ đồng. Khoảng lãi này đã đưa tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên 2.250 tỷ đồng.
Đây là quý thứ 6 liên tiếp công ty ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trên 20% trong bối cảnh thị trường viễn thông toàn cầu gần như bão hòa.
Trong quý I vừa rồi, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tại tất cả các thị trường của Viettel Global đều tăng trưởng cao nổi bật là Viettel Burundi tăng 38%, Viettel Tanzania tăng 29%, Viettel Haiti tăng 28%, Viettel Mozambique tăng 23%.
Bên cạnh kết quả tốt từ mảng viễn thông truyền thống, các công ty ví điện tử của Viettel Global cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, với Lumicash tại Burundi đạt mức tăng trưởng 59%, Halopesa tại Tanzania tăng 47%, Emoney tại Campuchia tăng 42%, và M_Mola tại Mozambique tăng trưởng 27%.
![]() |
Các thị trường đầu tư nước ngoài của Viettel Global. (Ảnh: VGI). |
Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Viettel Global đạt 65.570 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng nhiều nhất là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng lên tới hơn 39.500 tỷ đồng và lọt top vua tiền mặt trên sàn (không tính nhóm ngân hàng), chỉ sau Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) và CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Khoảng tiền này đã đem về cho Viettel Global tới 570 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đi vay khi trong quý đầu năm khi đã đi vay 1.188 tỷ đồng và trả nợ gốc vay 1.080 tỷ. Chi phí lãi vay là 110 tỷ nhưng lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới gần 1.660 tỷ đồng trong bối cảnh tỷ giá các đồng tiền biến động mạnh trong những tháng đầu năm. Dư nợ tài chính đến cuối kỳ hơn 2.800 tỷ đồng.
![]() |
Danh mục ngoại tệ của Viettel Global. (Nguồn: BCTC quý I/2025). |
Với 52.412 trạm phát sóng, Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) hiện là nhà đầu tư cho thuê hạ tầng viễn thông (Towerco) số 1 Việt Nam. Đơn vị này đang kinh doanh với những ngành nghề chính bao gồm: Xây lắp hạ tầng viễn thông, Vận hành khai thác mạng viễn thông, Xây dựng dân dụng B2C và B2B, Đầu tư hạ tầng, Giải pháp thông minh cho nhóm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình cả trong nước và thị trường nước ngoài.
Đến nay, Viettel Construction sở hữu 10.000 trạm phát sóng và các dự án năng lượng mặt trời, tuyến ngầm… cho thuê. Từ năm 2017, Viettel Construction tham gia quản lý và vận hành toàn bộ hạ tầng mạng lưới của Tập đoàn Viettel. Viettel Construction hiện cũng là đơn vị duy nhất tiên phong xây dựng hạ tầng Viettel tại 10 thị trường nước ngoài: Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru, Cameroon, Tanzania, Burundi, Myanmar.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm nay, Tổng công ty ghi nhận 2.754,5 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 5% về doanh thu và tăng 7% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2024. So với kế hoạch năm, Tổng công ty đã hoàn thành 20% mục tiêu doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận.
Xét về cơ cấu, mảng Vận hành khai thác tiếp tục chiếm 51% tổng doanh thu của Viettel Construction. Theo sau là các mảng Xây lắp (chiếm 29%), mảng Giải pháp và Dịch vụ kỹ thuật (chiếm 12%), mảng Hạ tầng cho thuê (chiếm 7%), còn lại đến từ hoạt động tài chính và các hoạt động khác.
Bên cạnh việc duy trì ổn định tăng trưởng hai mảng kinh doanh cốt lõi như Vận hành khai thác và Xây lắp, Viettel Construction đang tích cực đẩy mạnh mảng Hạ tầng cho thuê với các động lực đến từ lĩnh vực TowerCo - cho thuê trạm BTS, hạ tầng viễn thông; năng lượng tái tạo; cáp quang…
![]() |
Cơ cấu doanh thu quý I/2025 của Viettel Construction. (Nguồn: CTR) |
Thời gian tới, Viettel Construction có kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động, cung cấp dịch vụ xây dựng nhà dân, lắp đặt, tích hợp các thiết bị điện tử - điện lạnh, công nghệ, sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị.
Cuối kỳ, tổng tài sản đạt hơn 7.700 tỷ đồng, chiếm đa số là các khoản thu ngắn hạn (hơn 3.154 tỷ) và tiền nhàn rỗi gần 2.000 tỷ đồng.
Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post - Mã: VTP) hiện tại thống trị lĩnh vực logistics của Việt Nam với thị phần khoảng 17%.
Tháng 12 năm ngoái, Viettel Post khánh thành khu công nghiệp logistics lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trên diện tích gần 144 ha với chi phí 130 triệu USD.
Công ty cũng đang thành lập một công ty con tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để mở rộng hệ thống hậu cần xuyên biên giới.
Viettel Post đang có xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các phân khúc mới và đi sâu hơn vào lĩnh vưc logistics ở những khu vực mới như cảng hàng không. Đây là những mảng có thể gia tăng biên lợi nhuận của công ty bổ sung cho các mảng truyền thống B2C.
Trong đó, Viettel Post đặt mục tiêu đưa Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn, tổng kho Long Bình đi vào hoạt động, tổ chức mạng lưới vận tải xuyên biên giới tuyến Myanmar – Thái Lan – Campuchia – Lào – Việt Nam – Trung Quốc.
"Đặc biệt, Viettel Post sẽ đầu tư và đi vào kinh doanh tại Lào, Trung Quốc; Mở rộng kinh doanh tại Campuchia, Myanmar (trong điều kiện thuận lợi), thúc đẩy vai trò xúc tiến kinh doanh tại Thái Lan; nghiên cứu phương án mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc và Nhật Bản", thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Ngoài ra, Viettel Post sẽ tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử (VIPO Mall) nhưng sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà áp dụng mô hình riêng để phát huy lợi thế của hệ sinh thái, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng sẽ là một dự án trọng điểm của Viettel Post trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, VIPO Mall là sàn thương mại điện tử phục vụ tiểu thương để nhập hàng hoá mua buôn phía Trung Quốc. Các đơn hàng mua buôn thường có giá trị lớn nên người mua sẽ phải đặt cọc tiền. Đây là dự án thử nghiệm nên công ty chưa đặt mục tiêu cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử khác như Shoppe, Tiktok, Lazada.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, doanh thu của doanh nghiệp đạt 5.041 tỷ đồng tăng gần 8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng tăng 18% so với cùng kỳ.
Cuối kỳ, tổng tài sản của VTP đạt hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn (hơn 2.100 tỷ) và tiền nhàn rỗi (khoảng 1.900 tỷ).
Các khoản phải thu ngắn hạn đến đa số từ Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) với 563 tỷ đồng, chiếm 42% các khoản phải thu khách hàng của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp này cũng sử dùng đòn bẩy tài chính cao khi dư nợ đi vay khoảng 1.600 tỷ đồng, chiếm gần 1/4 tổng nguồn vốn, đa số là đi vay ngắn hạn để phục vụ vốn lưu động.
![]() |
Viettel Post đang thống trị thị trường logictics Việt Nam. (Ảnh minh họa: VTP). |
CTCP Tư vấn Thiết kế Viettel (Viettel Consultancy – Mã: VTK) tập trung vào các dịch vụ trong lĩnh vực Viễn thông - công nghệ thông tin như: cho thuê hạ tầng viễn thông; giám sát vận hành khai thác hạ tầng mạng lưới viễn thông; kiểm định chất lượng công trình viễn thông; đo kiểm chất lượng sóng vô tuyến; lắp đặt, tích hợp các giải pháp ICT; quảng cáo trên hệ thống màn hình, bảng biển ngoài trời…
Công ty này chỉ công bố báo cáo tài chính năm, không đưa chi tiết báo cáo từng quý. Theo số liệu mới nhất, doanh thu thuần năm 2024 đạt gần 380 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và cao hơn cả tổng tài sản 228 tỷ đồng của công ty. Doanh nghiệp lãi sau thuế gần 31 tỷ đồng, tương ứng ROA đạt tới 13,5% và ROE đạt 21,5%.
Cũng như nhóm các công ty trong họ Viettel, Viettel Consultancy cũng sở hữu tỷ lệ tiền mặt trên tổng tài sản lớn, với gần 80 tỷ đồng, chiếm 35%. Điều đáng nói là doanh nghiệp không cần sử dụng đòn bẩy tài chính.